17:18 23/09/2019

Công ty du lịch 178 năm tuổi của Anh sụp đổ, hàng trăm nghìn du khách mắc kẹt

Thăng Điệp

Chính phủ Anh phải tổ chức một chiến dịch hồi hương công dân lớn chưa từng thấy trong thời bình

Hôm thứ Sáu, Thomas Cook xác nhận đang có 600.000 hành khách đi nghỉ theo các tour du lịch của công ty, trong đó có 160.000 du khách Anh  - Ảnh: CNN.
Hôm thứ Sáu, Thomas Cook xác nhận đang có 600.000 hành khách đi nghỉ theo các tour du lịch của công ty, trong đó có 160.000 du khách Anh - Ảnh: CNN.

Sau một năm thua lỗ chồng chất, công ty chuyên tổ chức tour du lịch Thomas Cook của Anh đã sụp đổ vào ngày Chủ nhật (23/9), khiến hàng trăm nghìn du khác rơi vào cảnh mắc kẹt.

Theo tin từ CNN Business, một tuyên bố của Thomas Cook cho biết công ty "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi các bước thanh lý tài sản ngay lập tức". Tuyên bố cũng nói rằng đơn xin thanh lý tài sản đã được công ty gửi lên tòa án cấp cao của Anh.

Tổng giám đốc Thomas Cook, ông Peter Fankhauser, gửi lời xin lỗi tới khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp và đối tác. "Hôm nay là ngày rất buồn đối với công ty đi tiên phong về cung cấp các kỳ nghỉ trọn gói và đưa du lịch trở nên dễ dàng hơn đối với hàng triệu người trên thế giới", ông Fankhauser nói.

Sự sụp đổ của Thomas Cook, một công ty mang tính biểu tượng của Anh, đã có ảnh hưởng mạnh đến khu vực châu Á. Cổ phiếu của công ty du lịch Trung Quốc Fosun Tourism có lúc giảm hơn 5% trong phiên giao dịch sáng thứ Hai tại thị trường Hồng Kông.

Fosun Tourism là công ty con của tập đoàn Fosun International. Nhà sáng lập Fosun International, tỷ phú Guo Guangchang là cổ đông lớn nhất của Thomas Cook, theo Refinitiv.

Cơ quan hàng không dân sự Anh cho biết tất cả các chuyến bay do Thomas Cook đặt trước đều đã bị hủy. Với diễn biến này, Chính phủ Anh phải thực hiện một chiến dịch đưa công dân là khách hàng của Thomas Cook đang bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước.

Với khoảng 160.000 khách hàng của Thomas Cook đang bị mắc kẹt, đây sẽ là đợt hồi hương công dân lớn nhất của nước Anh trong thời bình. Theo dự kiến, chiến dịch sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 23/9-6/10.

Cuối tuần vừa rồi, Thomas Cook đã tìm mọi cách để tránh cảnh sụp đổ sau khi một loạt chủ nợ là các ngân hàng gồm Royal Bank of Scotland (RBS) yêu cầu công ty phải huy động 200 triệu Bảng, tương đương 250 triệu USD trong tuần này.

Chính phủ Anh đã tính đến khả năng giải cứu Thomas Cook nhưng cuối cùng quyết định không vào cuộc. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng Chính phủ sẽ không cứu doanh nghiệp trừ phi có "lợi ích chiến lược quốc gia trong đó".

Thay vào đó, Chính phủ Anh chỉ quan tâm tới việc đưa 160.000 du khách là công dân Anh đang bị mắc kẹt vì sự sụp đổ của Thomas Cook về nước. Hôm thứ Sáu, Thomas Cook xác nhận đang có 600.000 hành khách đi nghỉ theo các tour du lịch của công ty, trong đó có 160.000 du khách Anh.

Trao đổi với CNN, nhà chức trách cho biết chiến dịch hồi hương công dân Anh với tên gọi Operation Matterhorn này sẽ tiêu tốn của Chính phủ Anh khoảng 750 triệu USD. Một số máy bay đã được điều tới các điểm du lịch để đưa du khách Anh là khách hàng của Thomas Cook về nước.

Vụ sụp đổ của Thomas Cook diễn ra sau một năm đầy biến động của công ty. Từ tháng 5/2018 đến nay, giá cổ phiếu Thomas Cook đã giảm hơn 96% do những bấp bênh xung quanh việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, và cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành du lịch.