Công ty mẹ TikTok muốn huy động vốn với định giá 180 tỷ USD
Sau vòng gọi vốn này, ByteDance dự định niêm yết 2 bộ phận lên sàn chứng khoán Hồng Kông
Theo nguồn tin thân cận từ South China Morning Post, ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok đang thảo luận để huy động 2 tỷ USD vốn đầu tư trước khi niêm yết một số mảng kinh doanh. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đối mặt lệnh cấm và bị ép bán tại Mỹ.
Nguồn tin cho biết Bytedance đang thảo thuận với một nhóm nhà đầu tư, trong đó có Sequoia, về một khoản rót vốn đưa định giá của công ty lên 180 tỷ USD. ByteDance sau đó dự kiến IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) với một số bộ phận bao gồm Douyin - "anh em" của TikTok tại Trung Quốc và nền tảng đọc báo Toutiao lên sàn chứng khoán Hồng Kông. Theo CB Insights, tháng 10 năm ngoái, startup này được định giá 75 tỷ USD và gần đây nhất là 140 tỷ USD.
Các điều khoản của vòng gọi vốn này có thể thay đổi bởi đàm phán vẫn đang diễn ra, nguồn tin cho biết. Đại diện của Bytedance từ chối bình luận về thông tin này.
ByteDance, startup giá trị nhất thế giới, đang trong quá trình chống lại lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào TikTok ở Mỹ. Washington cho rằng ứng dụng video ngắn của Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia.
Hiện tại, Bytedance đang thảo luận để được chính phủ Mỹ và Trung Quốc phê duyệt thương vụ bán một phần hoạt động của TikTok ở Mỹ cho Oracle và Walmart. Tuy nhiên, thương vụ này rơi vào đình trệ vì bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc chiến pháp lý đối với lệnh cấm nhằm vào TikTok.
Zhang Yiming, người sáng lập của Bytedance, vẫn đang đấu tranh để tiếp tục giữ quyền kiểm soát tại TikTok Mỹ - nền tảng cạnh tranh với Google và Facebook. Theo đề xuất với chính phủ Mỹ, TikTok sẽ tách khỏi ByteDance, lập một trụ sở toàn cầu tại Mỹ và bán 20% cổ phần cho Oracle và Walmart. ByteDance khẳng định sẽ giữ lại 80% cổ phần, tuy nhiên một số đối tác cho rằng số cổ phần này phải được chia cho các cổ đông hiện tại, bao gồm nhiều quỹ đầu tư Mỹ như General Atlantic và Sequoia Capital.
Đồng thời, ByteDance đã đâm đơn kiện chính phủ Mỹ để ngăn chặn lệnh cấm. Hồi tháng 10, một thẩm phán liên bang ở Pennsylvania đã ra phán quyết dừng các hạn chế mà chính phủ Mỹ áp dụng với TikTok ở nước này.
Về sơ bộ, thỏa thuận với điều kiện TikTok sẽ IPO tại Mỹ trong vòng 12 tháng đã nhận được cái gật đầu của ông Trump. Việc này sẽ giúp TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ, nơi ứng dụng này đã có hơn 100 triệu người dùng.
Trước đó, hồi tháng 9, Bloomberg đưa tin Bytedance đang muốn định giá TikTok 60 tỷ USD.
Bất chấp những rắc rối tại Mỹ, các dịch vụ của Bytedance ở Trung Quốc vẫn thu về lợi nhuận lớn. Douyin - phiên bản nội địa của TikTok - đạt hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày vào tháng 8, tăng từ 400 triệu hồi đầu năm. Trong khi đó, nền tảng tin tức ứng dụng trí tuệ nhân tạo Toutiao ngày càng phổ biến tại Trung Quốc.
TikTok nổi lên là một mục tiêu trấn áp hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump trước thềm bầu cử. Căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang sau khi ông Trump triển khai hàng loạt biện pháp nhằm vào các hãng công nghệ Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Ứng dụng WeChat với hơn 1 tỷ người dùng của Tencent cũng chịu chung số phận với TikTok.