Công ty vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất bất ngờ lỗ hơn 1.000 tỷ
Khoản lỗ lên tới 1.027 tỷ đồng trong quý 4/201 khiến BSR lại rơi vào lỗ luỹ kế
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) vừa công bố báo cáo kinh doanh hợp nhất quý 4/2018.
Theo đó, trong kỳ BSR đạt doanh thu thuần 29.238 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn hàng bán lên tới 30.069 tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản lỗ lên tới 1.027 tỷ đồng trong quý 4/2018, trong đó phần lỗ thuộc về công ty mẹ là 1.010 tỷ đồng.
Luỹ kế năm 2018, BSR ghi nhận doanh thu 110.951 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tụt xuống 3.572 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2017.
Khoản lỗ trong quý 4 đã "phá vỡ" thành quả miệt mài xoá lỗ luỹ kế trước đó của doanh nghiệp này. Tính đến hết năm 2018, BSR trở lại lỗ luỹ kế 346 tỷ đồng.
Năm 2017, Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt doanh thu 81.333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.673 tỷ đồng. Đây là năm BSR có lợi nhuận tốt nhất do diễn biến tích cực cuả giá dầu.
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản BSR giảm gần 10.000 tỷ đồng so với thời điểm 30/06/2018, đạt 51.653 tỷ đồng. Nguyên nhân là hàng tồn kho giảm 16%, tiền và tương đương tiền giảm một nửa xuống 5.765 tỷ đồng. Dư nợ vay ngân hàng cuối năm 2018 giảm còn hơn 10.137 tỷ đồng.
Chốt phiên 18/1, cổ phiếu BSR chỉ còn 13.400 đồng/cổ phiếu, giảm 40% so với thời điểm chào sàn cách đây gần một năm là 22.400 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng đã có kiến nghị lên Chính phủ kiến nghị tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà máy lọc dầu Dung Quất, do BSR quản lý vận hành.
Theo kiến nghị, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bắt đầu cung cấp sản phẩm ra thị trường nội địa vào từ tháng 5/2018 đến nay, đúng vào giai đoạn nhu cầu thị trường khá thấp, trong khi đó nguồn cung từ nhập khẩu và nguồn hàng của BSR khá dồi dào, điều này khiến cho thị trường bị dư thừa nguồn cung, dẫn đến việc tiêu thụ cũng như giá bán các sản phẩm xăng dầu của BSR bị ảnh hưởng lớn theo hướng bất lợi.
"Ghi nhận từ một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là Petrolimex, việc giá bán rất thấp trong thời gian qua khiến cho thị trường xăng dầu nội địa rất bất ổn. Giá bán quá thấp khiến cho mức chiết khấu trên thị trường liên tục thay đổi, ảnh hưởng lớn đến đầu ra và tồn kho của nhiều đầu mới. Với cung nội địa khá lớn, đặc biệt khả năng lượng cung xăng sẽ vượt cầu từ 800.000 - 1 triệu m3 xăng các loại. Điều này gây áp lực đến tiêu thụ sản phẩm xăng dầu cuối năm 2018 cũng như các năm tới", văn bản kiến nghị lên Thủ tướng của Quảng Ngãi nêu.
So với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, theo văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thì BSR không được áp dụng ưu đãi cấp bù 7% cho xăng dầu, 5% cho LPG, 3% cho PP; chỉ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 30 năm trong khi Nghi Sơn là vĩnh viễn; thuế nhập dầu thô của BSR hiện là 5% trong khi của Nghi Sơn là 0%, thuế xuất khẩu bán sản phẩm của Nghi Sơn là 3% trong khi BSR không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng khi mua vào tương ứng…
Về dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết, dự án không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, dẫn đến rất khó khăn trong công tác thu xếp vốn và hiệu quả dự án.