08:47 09/07/2009

"CPI năm 2009 chỉ tăng từ 7 - 8%"

Lê Châu

Nếu so sánh với tháng 12/2008, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2009 chỉ tăng 2,68%

Quản lý giá cả ở Việt Nam còn nhiều bất cập - Ảnh: Việt Tuấn.
Quản lý giá cả ở Việt Nam còn nhiều bất cập - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 3,9% (cùng kỳ 2008 tăng 6,47%).

Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm thì trong 6 tháng cuối năm nền kinh tế phải đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 6%, đồng thời lại phải chủ động phòng ngừa, không để lạm phát quay trở lại. Để "kìm chân" chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 10% là một thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, theo ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo của Bộ là CPI của năm nay chỉ tăng ở mức từ 7 đến 8%.

Thưa ông, đâu là căn cứ để có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm nhưng sẽ không sa vào khủng hoảng, suy thoái?

Các con số tăng trưởng GDP trong quý 1 và quý 2 (lần lượt là 3,1% và 4,5%) thể hiện nền kinh tế nước ta đang từng bước ra khỏi “đáy”. Tuy nhiên, tốc độ “ra” như thế nào phải chờ đợi quý 3 mới có được đánh giá cụ thể. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng của các ngành khai thác, xây dựng, dịch vụ với tiêu thụ hàng hoá trong nước tăng cao (8,8%) .

Giá trị sản xuất của lĩnh vực xây dựng tăng tới 8,74%, tổng mức bán lẻ tiêu dùng cả nước 6 tháng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2008.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 3,9% là khả quan. Đây là kết quả của việc thực hiện đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp , cá nhân, nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường...

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn đáng để lạc quan và việc đạt những chỉ tiêu cơ bản mà Quốc hội vừa thông qua, như GDP tăng 5%, CPI tăng dưới 10%, chỉ tiêu xuất khẩu tăng 3% là hoàn toàn khả thi, thưa ông?

Không hẳn là quá lạc quan như vậy. Trong 6 tháng cuối năm, nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 5% như Quốc hội đề ra, trong điều kiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng 3,9% thì trong 6 tháng cuối năm nền kinh tế phải đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 6%, đồng thời lại phải chủ động phòng ngừa, không để lạm phát quay trở lại.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt; kiểm tra việc giải ngân và thực hiện chính sách kích cầu đúng mục đích, đúng đối tượng...

Nhiều lĩnh vực khác cũng vẫn còn rất nhiều khó khăn, như xuất khẩu 6 tháng vừa qua âm 10% và để đạt được mục tiêu tăng xuất khẩu 3% cho cả năm, 6 tháng cuối năm phải có quyết tâm rất lớn mới có thể thực hiện được. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam bằng 160% GDP, phụ thuộc 60% vào các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản...

Do vậy, khi nền kinh tế các nước này chưa phục hồi, nhu cầu đang bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tác động trực tiếp vào các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cao cũng đang tạo ra áp lực nên cần theo dõi sát tình hình để có thể đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%.

Hiện có nhiều lo ngại rằng chỉ số giá tiêu dùng tính bình quân trong 6 tháng đầu năm đã tăng tới 10,27%, vậy làm sao cả năm  có thể kìm chế được chỉ số này dưới 10% như Nghị quyết Quốc hội vừa thông qua?

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2009 tăng 10,27% là so với 6 tháng đầu năm 2008. Chỉ tiêu CPI năm 2009 mà Quốc hội thông qua ở mức dưới 10% là so sánh với tháng 12/2008. Nếu so sánh với tháng 12/2008, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2009 chỉ tăng 2,68%. Như vậy, CPI năm 2009 ở mức dưới 10% chắc chắn thực hiện được. Theo dự báo của Bộ thì CPI của năm nay chỉ tăng ở mức từ 7 đến 8%.

Dù vậy, trước những diễn tiến của việc tăng một số mặt hàng trong thời gian qua, dư luận đều cho rằng “kìm chân” chỉ số giá đang là cực kỳ gian nan. Điều cần nhất trong công tác điều hành giá hiện nay là gì, thưa ông?

Theo tôi, khi chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta phải áp dụng cơ chế thị trường, không nên thực hiện quá nhiều biện pháp hành chính.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý về quản lý giá ở Việt Nam vẫn còn khác các nước. Tại các nước khác, họ có hệ thống buôn bán rất chặt chẽ bao gồm các siêu thị, chuỗi siêu thị và quản lý giá cũng rất chặt. Đơn cử như ở Nhật, nếu định tăng giá mặt hàng nào thì họ phải công bố trước cho công chúng ba tháng để tránh những rủi ro của việc tăng giá. Vì rất có thể người tiêu dùng sẽ không dùng sản phẩm đó nữa bởi giá tăng. Không riêng ở Nhật, các nước khác cũng rất cân nhắc việc tăng giảm giá, nhiều khi họ không tăng, chấp nhận lỗ để giữ được khách hàng.

Trong khi đó thì ta buôn bán lẻ, riêng rẽ, doanh nghiệp nhỏ rất nhiều, vì thế rất tự phát trong quá trình tăng giá, thích tăng là tăng, thích giảm là giảm.

Do đó, chúng ta phải tập trung củng cố lại hệ thống đó bằng cách đưa ra các tiêu chí, điều kiện. Theo đó, các cơ sở kinh doanh, thương mại phải làm theo các tiêu chí, có tăng dự trữ để đảm bảo hoạt động. Chúng ta phải học cách một số nước đã làm để củng cố lại hệ thống thương mại.