14:49 06/06/2018

"Cứ học đại học thì 100% có việc là không đúng"

Hà Minh

Việc một tỷ lệ nhất định dù học tất cả các bậc mà không có việc là bình thường ở thế giới

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc hội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc hội.

Việc một tỷ lệ nhất định dù học tất cả các bậc mà không có việc là bình thường ở thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục.

Đó là quan điểm được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, sáng 6/6.

Tại đây, nhiều đại biểu đề cập con số 200 ngàn người có trình độ đại học thất nghiệp.

Phó thủ tướng nói, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã nói rất kỹ số người này là số người thất nghiệp không có việc làm phù hợp hoặc không tìm được việc làm, tính ra khoảng trên 4%.

"Con số này tại các nước trung bình khoảng 7% nên ở chúng ta không có gì phải yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc 100% là không đúng", Phó thủ tướng nói.

Để khắc phục việc này, theo Phó thủ tướng thì có nhiều việc phải làm. Đầu tiên phải thực hiện hướng nghiệp ngay từ trung học cơ sở.

"Chúng ta đừng lo như một đại biểu nói rằng học trung học cơ sở xong mà sang học nghề thì sẽ không đủ kiến thức. Bởi vì cả thế giới người ta làm như vậy", Phó thủ tướng phát biểu.

Giải pháp thứ hai được Phó thủ tướng đề cập là phải nâng cấp, nâng cao chất lượng đại học. Nhưng để nâng cao chất lượng đại học nhất định phải đẩy mạnh tự chủ đại học.

Nội dung tiếp theo Phó thủ tướng nêu chính là định hướng cho học sinh những ngành nghề nào thì tương lai việc làm tốt hơn.

Phó thủ tướng cũng công bố một số kết quả đáng chú ý, các trường đại học có điểm đầu vào trên 27 điểm thì tỷ lệ học sinh ra trường sau 12 tháng có việc làm tính từ 2016 trở lại là 96%, nhóm trường từ 24 điểm đến 27 điểm, tỷ lệ này 92%, nhóm trường từ 20 điểm đến 24 điểm là 84% và nhóm trường từ 15,5 điểm đến 20 điểm là 89%.

Tỷ lệ chung lại học sinh ra trường trong vòng 12 tháng kể từ năm 2016 đến  2017 khảo sát mà có việc làm xấp xỉ 90%, chỉ có 11,3% không kiếm được việc làm.

Khảo sát cũng cho thấy rằng 19% sinh viên ra trường đại học nhưng làm công việc không xứng đáng là cấp đại học và ở đây có điều đáng lưu ý là trong số các nhóm ngành đào tạo thì nhóm ngành đào tạo khoa học, giáo dục và giáo viên có tỷ lệ ra trường không tìm được việc cao nhất, 19%.

Liên quan đến chất vấn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo nghị quyết 29 thì lộ trình là bao nhiêu năm, có tiếp tục đổi mới hay không và hiện nay đứng ở đâu, Phó thủ tướng nói đây là một câu hỏi rất khó.

Sau đó Phó thủ tướng  "xin mạnh dạn báo cáo" một số vấn đề.

Theo Phó thủ tướng, nghị quyết 29 xác định đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, với ngành giáo dục thì tạm chia thành 8 đầu mục đổi mới: hệ thống, khung trình độ, chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và gắn với giáo viên, phương pháp kiểm định, đánh giá và thi cử, cơ sở vật chất, quản lý nhà nước, quản trị các trường, các cơ sở giáo dục.

Đánh giá từ Phó thủ tướng là đến giờ phút này đã đạt được yêu cầu là ban hành khung hệ thống, khung trình độ, đang xây dựng chương trình sách giáo khoa, đổi mới một bước công tác kiểm định, đổi mới một bước công tác tự chủ đại học và tới đây là các trường phổ thông, đặc biệt quan trọng là chúng ta đang chuẩn bị sửa luật giáo dục và giáo dục đại học.

Yêu cầu đặt ra khi sửa luật được Phó thủ tướng nhấn mạnh là khắc phục cho bằng được điểm yếu cố hữu của chúng ta, đó là giáo dục từ phổ thông đến đại học nặng về nhồi nhét kiến thức và không khuyến khích sáng tạo cá nhân của cả học sinh và giáo viên.

Hạn chế thứ hai cần được khắc phục là hệ thống học không liên thông, không học suốt đời nên dẫn đến câu chuyện cố chạy theo bằng cấp, cứ phải cấp cao.

Thứ ba là trong các cơ sở giáo dục nặng về chỉ đạo hành chính, không khuyến khích tự chủ trong các trường đại học. Quản lý trong các trường phổ thông vẫn còn nặng về mệnh lệnh và hành chính.

"Tôi xin mạnh dạn nói rằng nếu sửa được 2 luật này đảm bảo đúng theo xu thế đó cộng một số luật về công chức, viên chức thì công cuộc đổi mới của chúng ta được một nửa. Làm luật xong rồi phải làm tiếp mới được nửa còn lại", Phó thủ tướng nói.