Cúm lạc đà và nguy cơ lây lan hậu World Cup
Năm tuyển thủ Pháp mới đây bị nhiễm cúm lạc đà là Dayot Upamecano, Adrien Rabiot, Kingsley Coman, Raphael Varane và Ibrahima Konate. Họ có các triệu chứng như sốt, ho và mệt mỏi, và phải bỏ lỡ buổi tập gần đây…
Theo báo chí châu Âu, loại virus mà các tuyển thủ Pháp nhiễm phải là "cúm lạc đà" hay còn gọi là Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Với những trường hợp nhiễm bệnh này, tuyển Pháp đang rất lo lắng vì không biết họ có kịp bình phục để thi đấu hay không.
Theo các thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, MERS là một bệnh hô hấp do virus gây ra bởi hội chứng hô hấp Trung Đông coronavirus (MERS‐CoV) lần đầu tiên được xác định ở Ả Rập Saudi vào năm 2012. Các nhà khoa học cho rằng, MERS lây truyền theo đường từ động vật sang người. Người ta đã phát hiện được loại virus tương tự trong ADN của lạc đà tại các vùng Ả Rập Saudi, Qatar hay Ai Cập - những nơi được cho là nguồn phát sinh của căn bệnh này.
Tuy nhiên khi còn ở trong cơ thể động vật, MERS-CoV không hoạt động và những con vật này không có triệu chứng mang bệnh. Chỉ khi vào đến cơ thể người, loài virus này mới trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát. Điều thực sự có thể biến MERS thành một dịch bệnh thế kỷ đó là virus truyền bệnh có thể di chuyển từ người sang người. Theo các nhà khoa học, MERS-CoV có thể truyền giữa những cá thể có tiếp xúc trực tiếp với nhau, thường thông qua đường hô hấp nhưng trong phạm vi giới hạn. Điều này khiến đa số các trung tâm y tế cho rằng, căn bệnh này ít khả năng có thể trở thành đại dịch và lây truyền cho hầu hết dân chúng.
Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng MERS-CoV dễ lây lan hơn chúng ta tưởng. Một thí nghiệm đã cho thấy, loại virus này có thể tồn tại trong không khí một khoảng thời gian nhất định trong điều kiện môi trường chung gồm chủ thể mang virus và những người xung quanh. MERS chủ yếu gây ra các triệu chứng giống bệnh cảm cúm như ho, sốt và khó thở. Virus này ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp trên nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và hỏng thận dẫn đến tử vong.
Hầu hết những người chết do các biến chứng liên quan đến MERS đều sở hữu những bệnh hoặc rối loạn hệ miễn dịch tiềm ẩn, khiến cơ thể gặp khó khăn trong quá trình chống lại virus. Các căn bệnh đó bao gồm tiểu đường, ung thư, bệnh tim, phổi hoặc thận cũng như các căn bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch khác.
Năm 2021, các chuyên gia đã cảnh báo đại dịch tiếp theo có khả năng cũng sẽ xảy ra theo cách virus có nguồn gốc từ động vật trước khi lây sang con người. Theo chương trình Predict chính phủ Mỹ tài trợ và có sự tham gia của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm toàn cầu, 75% bệnh mới xuất hiện và ảnh hưởng đến con người có nguồn gốc từ động vật.
Biến đổi khí hậu khiến hạn hán thường xuyên hơn, kéo dài và nghiêm trọng hơn. Do đó, những người chăn nuôi phải chuyển từ bò và gia súc khác sang lạc đà. Chỉ có loài sinh vật này mới có thể sống hàng tuần mà không cần nước. Kết quả là số lạc đà tiếp xúc gần với con người ngày một nhiều - điều kiện hoàn hảo để một căn bệnh chết người lây lan.
Trước khi World Cup Qatar 2022 diễn ra, thông tin từ nghiên cứu được công bố trên tạp chí New Microbes and New Infections có tiêu đề "Rủi ro lây nhiễm liên quan đến FIFA World Cup 2022 tại Qatar" cho thấy việc thu hút số lượng lớn người hâm mộ trên khắp thế giới tập trung về Qatar cũng có thể dẫn tới nguy cơ lây lan một số bệnh nhiễm trùng như Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ và đặc biệt là MERS. Trong đó, tổ chức này và một số chuyên gia nhận định MERS có khả năng bùng phát thành dịch.
Giới chức y tế một số nước sau đó đã cảnh báo những người hâm mộ bóng đá về nguy cơ mang theo mầm bệnh cúm lạc đà vào thời điểm quay về nước sau khi World Cup ở Qatar kết thúc. Website Bộ Y tế Úc đăng thông tin khuyến cáo công dân nước này khi quay về từ Qatar nên cẩn trọng với MERS, và đề nghị người dân thực hiện những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh, như tránh tiếp xúc gần lạc đà, không ăn thịt chưa nấu chín hoặc không uống sữa chưa tiệt trùng.
Còn Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cũng đề nghị các bác sĩ lưu tâm những trường hợp dân Anh bị sốt hoặc khó thở vào thời điểm quay về nước sau mùa World Cup năm nay. “Nguy cơ lây nhiễm cho dân Anh là rất thấp, nhưng có lẽ sẽ cao hơn đối với những người bị phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ tại khu vực, như tiếp xúc với lạc đà”, báo Metro dẫn thông tin từ UKHSA.
Đặc biệt, những khuyến cáo trên được đưa ra vào thời điểm số ca MERS gia tăng trên toàn cầu. Theo dữ liệu của UKHSA, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiếp nhận thông tin cho thấy đã có 2.600 ca mắc MERS-CoV được xác nhận bằng kết quả từ phòng thí nghiệm từ tháng 4/2012 đến tháng 10/2022. Trong số này, 935 ca tử vong.