18:15 22/11/2022

Số lần tái nhiễm Covid-19 càng nhiều thì nguy cơ sức khỏe càng lớn

Hoài Phương

Theo nghiên cứu của trường Y thuộc ĐH Washington (Mỹ), tái nhiễm Covid-19 mang tới rủi ro cao hơn với sức khỏe như nguy cơ bệnh nặng phải nhập viện cao gấp ba, nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với lần nhiễm đầu…

Ảnh: USA Today
Ảnh: USA Today

Năm 2020, các nhà nghiên cứu từng tin rằng khó có khả năng một người nhiễm Covid-19 đến 2 lần. Tuy nhiên, các biến thể mới lại có khả năng gây tái nhiễm cao và có thể khiến người bệnh tái nhiễm nhiều lần. Hiện tại, câu hỏi mà các nhà nghiên đặt ra là liệu một người có thể bị tái nhiễm Covid-19 bao nhiêu lần? Điều này là quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến rủi ro sức khỏe của nhiều người, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

“Thật không may, câu trả lời của tôi là không có giới hạn cho số lần nhiễm”, tiến sĩ Monica Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là Giáo sư y khoa tại Đại học California - San Francisco (Mỹ), cho biết. Số lần một người có thể tái nhiễm Covid-19 cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có khả năng biến đổi thành các biến thể mới của virus, thời gian để virus biến đổi và tiêm nhắc lại vaccine, Phó giáo sư Deepta Bhattacharya, chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Arizona (Mỹ), tiết lộ.

Hiện tại, Omicron và các biến thể phụ đang gây ra nguy cơ tái nhiễm thường xuyên. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy một người có thể bị tái nhiễm Covid-19 trong vòng 90 ngày sau lần nhiễm trước đó. Một báo cáo ở Mỹ ghi nhận 10 người đã bị tái nhiễm trong vòng 23 đến 87 ngày sau lần nhiễm gần nhất.

Trong khi đó, Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, chuyên gia dịch tễ học lâm sàng tại Trường đại học y thuộc Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) cho biết: "Không nghi ngờ gì nữa, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng việc bị nhiễm SARS-CoV-2 lần thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư góp phần làm tăng thêm nguy cơ sức khỏe trong giai đoạn cấp tính (tương ứng với 30 ngày đầu tiên sau nhiễm bệnh) và trong những tháng tiếp theo (tương ứng với giai đoạn Covid-19 kéo dài)".

Những người tái mắc nhiều lần có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về phổi, tim, máu, thận, tiểu đường, xương và cơ...
Những người tái mắc nhiều lần có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về phổi, tim, máu, thận, tiểu đường, xương và cơ...

Trong bài báo được đăng trên Tạp chí Nature Medicine, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nguy cơ sức khỏe tăng lên với mỗi lần nhiễm SARS-CoV-2 tiếp theo. Họ cho biết: "Điều này có nghĩa là ngay cả khi bạn đã bị 2 lần mắc Covid-19, thì tốt hơn hết bạn nên tránh bị mắc bệnh lần thứ ba. Và nếu chẳng may bạn đã bị mắc Covid-19 ba lần, thì tốt nhất nên tránh bị mắc bệnh lần thứ tư".

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích hồ sơ bệnh án của khoảng 5,8 triệu bệnh nhân đã được điều trị Covid-19 lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của hệ thống chăm sóc sức khỏe Cục Cựu chiến binh Mỹ. Họ đã so sánh gần 41.000 người đã mắc Covid-19 hai lần trở lên với hơn 443.000 người đã mắc Covid-19 một lần và 5,3 triệu người chưa từng mắc trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2022. Mô hình thống kê được áp dụng đánh giá nguy cơ sức khỏe của việc tái mắc Covid-19 trong tháng đầu tiên và theo dõi 6 tháng sau đó.

Kết quả cho thấy, hầu hết những người bị tái nhiễm đều đã trải qua 2 hoặc 3 lần mắc Covid-19. Một số ít bị nhiễm 4 lần và không có ai bị mắc 5 lần trở lên. Những người bị mắc Covid-19 nhiều lần có nguy cơ tử vong cao gấp đôi và nguy cơ phải nhập viện cao gấp 3 lần so với những người chỉ bị mắc Covid-19 một lần. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, những bệnh nhân mắc Covid-19 lặp lại cũng có nguy cơ mắc các vấn đề về phổi và tim cao gấp 3 lần, đồng thời có nguy cơ mắc các bệnh lý thần kinh cao hơn 60%.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người tái mắc nhiều lần có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về phổi, tim, máu, thận, tiểu đường, sức khỏe tâm thần, xương và cơ, và rối loạn thần kinh.

Theo các chuyên gia, những người đã từng mắc Covid-19 nên thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để bảo vệ sức khỏe bản thân và ngăn ngừa tái nhiễm. "Cụ thể, mọi người nên đeo khẩu trang, thực hiện việc tiêm các mũi vaccine tăng cường khi đủ điều kiện và nên ở nhà khi bị ốm", Tiến sĩ Ziyad Al-Aly nói. "Ngoài ra, hãy tiêm phòng cúm để phòng ngừa bệnh. Chúng ta thực sự cần phải nỗ lực hết sức để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch kép trong mùa đông này, đó là Covid-19 và bệnh cúm", các chuyên gia nhấn mạnh.

Mùa đông này, những người đã từng mắc Covid-19 nên thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để ngăn ngừa tái nhiễm.
Mùa đông này, những người đã từng mắc Covid-19 nên thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để ngăn ngừa tái nhiễm.

Trước đó, các nhà khoa học cũng lo lắng mỗi lần tái nhiễm cũng làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng Long Covid, dẫn đến một loạt các triệu chứng kéo dài hàng tháng đến hàng năm sau lần nhiễm đầu tiên. Theo National Geographic, nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2022 trên tạp chí Nature Medicine  cho thấy việc tiêm phòng có thể làm giảm nguy cơ phát triển Long Covid chỉ khoảng 15%. Đồng thời, Long Covid phổ biến hơn ở những người bị bội nhiễm, so với người chỉ mắc Covid-19 một lần.

Hiện tại, các nhà khoa học cần thêm thời gian để nghiên cứu về SARS-CoV-2. Khi virus liên tục thay đổi với các biến chủng mới, nhiều nghiên cứu được thực hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng mọi thứ có thể diễn ra theo một trong hai cách: tình trạng tái nhiễm tồi tệ hơn nhiều hoặc đạt đến mức độ mà chúng ta có khả năng miễn dịch suốt đời.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng mọi người vẫn nên tuân thủ các biện pháp an toàn để bảo vệ mình trước nguy cơ tái nhiễm. Điều quan trọng là phải tiêm phòng và tăng cường nếu bạn đủ điều kiện. Khẩu trang vẫn là cần thiết, đặc biệt nếu bạn ở nơi công cộng, đông đúc. Tốt nhất là tránh tái nhiễm vì bạn có thể gặp các triệu chứng nhẹ nhưng vẫn không biết về những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài đối với sức khỏe của cơ thể.