12:01 23/01/2013

Cuộc đấu giữa hai cường quốc xuất khẩu châu Á tăng nhiệt

An Huy

Từ đầu năm ngoái tới nay, tỷ giá đồng Yên Nhật và đồng Won Hàn Quốc đã biến động theo hai chiều trái ngược

Từ tháng 11 tới nay, xu hướng tăng giá của đồng Won được đẩy nhanh khi 
đồng Yên suy yếu do những kỳ vọng Nhật Bản sẽ nới lỏng thêm chính sách 
tiền tệ.
Từ tháng 11 tới nay, xu hướng tăng giá của đồng Won được đẩy nhanh khi đồng Yên suy yếu do những kỳ vọng Nhật Bản sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.
Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu đã đối đầu trực tiếp trong lĩnh vực xuất khẩu. Diễn biến tỷ giá đồng tiền của hai nước này thời gian qua đã khiến cục diện cuộc đấu này thay đổi.

Theo báo Wall Street Journal, từ đầu năm ngoái tới nay, tỷ giá đồng Yên Nhật và đồng Won Hàn Quốc đã biến động theo hai chiều trái ngược. Trong đó, đồng Won tăng giá 26,6% so với đồng Yên kể từ đầu năm 2012. Từ tháng 11 tới nay, xu hướng tăng giá của đồng Won được đẩy nhanh khi đồng Yên suy yếu do những kỳ vọng Nhật Bản sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Theo ông Angelo Corbetta, người đứng đầu mảng chứng khoán châu Á tại công ty Pioneer Investments ở London, diễn biến tỷ giá này “là một cách thức đơn giản để chuyển của cải từ các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc sang các hãng xe Nhật”.

Hàn Quốc hiện đang nỗ lực bảo vệ các nhà xuất khẩu trước đồng Won ngày càng mạnh. Hôm 22/1 vừa rồi, chính phủ nước này công bố các biện pháp, bao gồm sử dụng công quỹ nhà nước để cho các công ty nhỏ vay với lãi suất thấp. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật vừa tiếp tục nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế, một động thái có khả năng sẽ duy trì tỷ giá đồng Yên ở mức thấp.

Tuần này, khi hàng loạt tập đoàn lớn của Hàn Quốc báo cáo kết quả kinh doanh, giới đầu tư sẽ có cơ hội đầu tiên xem đồng Won mạnh có ảnh hưởng ra sao tới lợi nhuận của các nhà xuất khẩu xứ kim chi như Hyundai và LG. Hai công ty này sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2012 vào ngày mai, 24/1.

Giá cổ phiếu của các hãng xe Nhật đã tăng mạnh kể từ khi đồng Yên bắt đầu giảm giá nhanh vào tháng 11. Trong khi đó, giá cổ phiếu của các hãng xe Hàn Quốc gần như không tăng, bất chấp sự tăng điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Từ giữa tháng 11, giá cổ phiếu của Toyota tăng 39%, Honda tăng 42%, trong khi giá cổ phiếu Hyundai giảm 0,9%.

Chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Nhật từ đầu năm tới nay tăng 3%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc đi ngang. Tại khu vực châu Á, chỉ có thị trường Malaysia với mức giảm 3,6% là tệ hơn thị trường Hàn Quốc từ đầu năm.

Theo ước tính của ngân hàng Credit Suisse, mức tăng trưởng xuất khẩu của Nhật sẽ “đuối” hơn Nhật Bản 1,1 điểm phần trăm cứ mỗi 1% giảm xuống trong tỷ giá đồng Yên so với đồng Won.

Mặc dù sự xuống giá của đồng Yên là một tin tốt đối với các công ty xuất khẩu của Nhật, nhiều người cho rằng, còn quá sớm để ảnh hưởng tích cực được thể hiện trong kết quả kinh doanh của các công ty. Các doanh nghiệp lớn của Nhật sẽ báo cáo kết quả kinh doanh sau các đối thủ Hàn Quốc. Canon, Nintendo, Toshiba và NEC sẽ công bố kết quả kinh doanh vào cuối tháng này.

Theo ông Nader Naeimi, chiến lược gia trưởng của quỹ AMP Capital ở Sydney, cho rằng, còn sớm để nói về ảnh hưởng của diễn biến tỷ giá giữa đồng Yên và đồng Won đối với các nhà xuất khẩu Nhật và Hàn. Ông Naeimi cho ràng, đồng Yên giảm giá sẽ có ảnh hưởng tích cực tới một số công ty, nhất là các hãng xe. Tuy nhiên, khi nói tới những lĩnh vực như thép và hóa dầu, đồng yên cần phải suy yếu lâu dài thì tác động mới có thể rõ nét.

Về lý thuyết, đồng nội tệ mạnh khiến hàng xuất khẩu của quốc gia đó trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng ở nước ngoài. Đồng nội tệ mạnh cũng khiến lợi nhuận của các công ty đa quốc gia bị co hẹp khi chuyển từ nước ngoài về nước.

Một số chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng của đồng Yên giảm giá đối với lợi nhuận của các công ty Nhật trong quý 1 năm nay sẽ chỉ ở mức hạn chế, bởi hầu hết các công ty đều có các biện pháp phòng ngừa tỷ giá. Từ sau tháng 4 trở đi, ảnh hưởng của đồng Yên giảm giá được dự báo sẽ rõ nét hơn, giúp các công ty Nhật tăng thêm được lợi nhuận khoảng 15% dựa trên cơ sở tỷ giá hiện tại của đồng Yên so với đồng USD và đồng Euro.