10:49 27/11/2023

Đã đến lúc phải cập nhật bản đồ xa xỉ thế giới

Băng Sơn

Không phải Châu Âu, trung tâm xa xỉ - nơi hội tụ nhiều cửa hàng nhất đến từ các thương hiệu thời trang đắt giá của thế giới – giờ đây chính là Châu Á với ba vị trí chiếm lĩnh đầu tiên…

Tokyo đứng đầu danh sách các điểm mua sắm xa xỉ toàn cầu năm 2024. Ảnh: Bloomberg
Tokyo đứng đầu danh sách các điểm mua sắm xa xỉ toàn cầu năm 2024. Ảnh: Bloomberg

Từ năm 2020, tập đoàn kinh doanh thời trang xa xỉ hàng đầu LVMH đã đạt doanh thu 6,9 tỉ euro tại châu Á cùng hệ thống 800 cửa hàng thuộc các thương hiệu khác nhau, theo New York Times. Đây là những con số áp đảo nếu đem lên bàn cân so sánh với mức tổng doanh thu 4,6 tỉ euro và 570 cửa hàng mà LVMH có tại thị trường châu Mỹ khi đó. 

TOP 10 “TRUNG TÂM XA XỈ” CỦA THẾ GIỚI

Theo dữ liệu từ nhà quản lý du lịch cao cấp Lartisien, trong danh sách các điểm mua sắm xa xỉ toàn cầu năm 2024, Tokyo là cái tên đứng đầu. Trong một phân tích về các thành phố nổi tiếng với các cửa hàng thiết kế uy tín, Lartisien cho biết thủ đô mua sắm của Nhật Bản tự hào có 217 cửa hàng thiết kế (designer stores), trong đó quận Ginza của Tokyo đang nổi lên như một trung tâm mua sắm sang trọng bậc nhất.

Hồng Kông đứng ở vị trí thứ hai với 211 cửa hàng thiết kế, ngoài nhiều cửa hàng còn có các trung tâm mang tính biểu tượng như The Landmark và Elements nơi Chanel thống trị thị trường xa xỉ. Ở vị trí thứ ba là Seoul với 210 cửa hàng thiết kế. Là một trung tâm sang trọng đang phát triển, khu vực bán lẻ của Seoul nổi bật với trung tâm mua sắm ngầm lớn nhất châu Á, Starfield Coex Mall.

Đồng thời, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc được xếp hạng trong số những người tiêu dùng hàng xa xỉ hàng đầu và có thu nhập bình quân đầu người cao nhất. Theo Alibaba, doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã tăng từ 11% lên 20% vào năm 2020 so với thị phần chung của ngành công nghiệp toàn cầu. Ngoài ra, Singapore và Thái Lan hiện đang là những thị trường quan trọng của các thương hiệu xa xỉ. 

Hồng Kông đứng ở vị trí thứ hai với 211 cửa hàng thiết kế.
Hồng Kông đứng ở vị trí thứ hai với 211 cửa hàng thiết kế.

Paris, quê hương của các tập đoàn xa xỉ lớn nhất châu Âu, có 177 cửa hàng thiết kế, mang đến bầu không khí sang trọng và lãng mạn ở những địa điểm như Rue du Faubourg Saint-Honoré và The Golden Triangle chỉ đứng thứ tư trong danh sách. New York đứng ở vị trí thứ năm với 124 cửa hàng thiết kế, trong đó các đại lộ nổi tiếng như Madison và Fifth là điểm đến hàng đầu.

Một đại diện khác từ Châu Á, Dubai khẳng định vị trí thứ sáu với 121 cửa hàng thiết kế, một trung tâm sang trọng thực thụ nơi dành cho các tín đồ yêu thích miễn thuế. Nền kinh tế đang bùng nổ và trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới khiến nơi đây trở thành điểm đến hàng đầu ở Trung Đông, xếp trên London với 112 cửa hàng xa xỉ đạt được vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng hàng xa xỉ toàn cầu.

Los Angeles và Las Vegas lần lượt điều hành 83 và 71 cửa hàng thiết kế với Rodeo Drive, điểm đến cho phong cách sống của người nổi tiếng trước đây, đứng ở vị trí thứ tám và chín trong danh sách. Nằm trong top 10 là trung tâm thời trang Milan với 69 cửa hàng sang trọng. Thường được coi là thủ đô thời trang của Ý, các quận cao cấp như Quadrilatero della Moda và các địa điểm nổi tiếng như Galleria Vittorio Emanuele II là những địa điểm không thể thiếu các cửa hàng của những thương hiệu xa xỉ toàn cầu.

Ở vị trí thứ ba là Seoul với 210 cửa hàng thiết kế.
Ở vị trí thứ ba là Seoul với 210 cửa hàng thiết kế.

SỨC VƯƠN LÊN CỦA THỊ TRƯỜNG CHÂU Á

Nếu như năm 2009, châu Á chỉ chiếm chưa đến 20% thị trường bán lẻ của thời trang xa xỉ thế giới thì tới năm 2025, thị trường châu Á sẽ chiếm tới hơn một nửa thị phần tiêu dùng xa xỉ toàn cầu. Cụ thể theo The Financial Times, năm 2023, tổng sản phẩm nội địa GDP của châu Á được kì vọng sẽ tăng từ 33 ngàn tỷ USD lên 39 ngàn tỷ USD. Điều này cho thấy châu Á đang là vùng lãnh thổ có tốc độ phát triển nhanh và mạnh nhất hiện nay, vượt trên cả châu Âu và châu Mỹ.

Thị trường xa xỉ đang thay đổi, nhóm người mua hàng hiệu ngày nay đã trẻ hóa hơn rất nhiều. Trong khi thế hệ trung tuổi Gen X và Baby Boomer vẫn sở hữu một phần tài sản đáng kể, thì từ năm 2020 đã thúc đẩy sự chuyển dịch quyền lực chi tiêu từ cha mẹ sang con cái, nhất là tại Châu Á. Thế hệ trẻ Gen Z sẽ chiếm 180% sự tăng trưởng của thị trường trong những năm tới để đạt mức 2/3 vào năm 2025.

Với người tiêu dùng đòi hỏi hàng xa xỉ từ các nền tảng và điểm xuất phát khác nhau và sự thay đổi lớn từ các kênh vật lý và kỹ thuật số đang tạo ra một bối cảnh cạnh tranh mới cho thị trường hàng xa xỉ. Người tiêu dùng hiện dù quen với thương mại điện tử song với xa xỉ phẩm, họ thích nghiên cứu thông tin từ các cửa hàng trực tuyến song vẫn mua hàng tài quầy xa hoa để có những cảm nhận trải nghiệm thực sự.

Mặt khác, khi mức tăng trưởng kinh tế chung tăng lên cũng có nghĩa rằng thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng, từ đó tạo ra một thị trường khách hàng mục tiêu tiềm năng có khả năng chi trả lớn cho các mặt hàng cao cấp. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện là nơi tiêu thụ các sản phẩm xa xỉ lớn nhất thế giới và đã phát triển thành một thị trường quan trọng cho các thương hiệu xa xỉ quốc tế.

Châu Á đang là vùng lãnh thổ có tốc độ phát triển nhanh và mạnh nhất hiện nay, vượt trên cả châu Âu và châu Mỹ.
Châu Á đang là vùng lãnh thổ có tốc độ phát triển nhanh và mạnh nhất hiện nay, vượt trên cả châu Âu và châu Mỹ.

Theo tờ The Business of Fashion, thị trường xa xỉ châu Á đang trải qua một cuộc cải tổ mạnh mẽ sau năm 2022 đạt doanh thu kỷ lục 376,4 tỷ USD. Sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục diễn ra trong quý đầu tiên của năm tài chính 2023, với mức tăng trưởng đạt 9 - 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong một báo cáo, Bain & Company cho biết, Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong năm nay nhưng không phải tất cả các thương hiệu sẽ trở lại mức của năm 2021. Nhật Bản, với giá trị thị trường đạt khoảng 26,2 tỷ USD vào năm 2022, sẽ nổi lên khi khách hàng địa phương tiếp tục chi tiêu và khách du lịch Trung Quốc bắt đầu trở lại. Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc) cũng chứng kiến ​​sự tăng tốc mạnh mẽ khi trở thành điểm đến chính của khách du lịch Trung Quốc, giá trị thị trường đã đạt mức 5,45 tỷ USD vào năm 2022.

Ngoài ra, khi suy thoái kinh tế đang bám sát thế giới, nền kinh tế Ấn Độ đang đi ngược xu hướng, công ty tư vấn toàn cầu EY dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 26 nghìn tỷ USD vào năm 2047, với thu nhập bình quân đầu người tăng gấp sáu lần lên 15.000 USD. Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, số lượng người siêu giàu (có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên) ở Ấn Độ đã tăng khoảng 11% từ năm 2020 đến năm 2021, và sự tăng trưởng sẽ tiếp tục diễn ra. Từ chỗ là những nhà sản xuất, người Ấn Độ giờ đây là những người tiêu dùng của thị trường thời trang xa xỉ.

Đông Nam Á từng ghi nhận thị trường hàng xa xỉ trị giá 13,1 tỷ USD vào năm 2022, sẽ tiếp tục tăng trưởng rực rỡ nhờ dòng chi tiêu của khách du lịch Nga, sự xuất hiện của người tiêu dùng Trung Quốc cũng như nhu cầu về đồ trang sức và đồng hồ. Với riêng Việt Nam, theo tính toán của Statista, doanh thu thị trường bán lẻ xa xỉ trong năm nay ước đạt 957,2 triệu USD, và tiếp tục tăng trưởng dương trong những năm tới dù tình hình kinh tế còn nhiều biến động.