Hồng Kông có lấy lại được dấu ấn trên thị trường hàng xa xỉ?
Nhiều dấu hiệu cho thấy Hồng Kông đang trở lại như một điểm đến quan trọng của các thương hiệu xa xỉ toàn cầu. Nhưng với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều thành phố của Trung Quốc đại lục, liệu thị trường này có thể vươn lên dẫn đầu?...
Sau khi có buổi ra mắt bom tấn với Louis Vuitton tại Paris vào tháng 6, Pharrell Williams sẽ tới Hồng Kông vào ngày 30/11 tới để giới thiệu bộ sưu tập Chớm thu 2024 của nhà mốt. Show diễn sẽ diễn ra trên Đại lộ Ngôi sao, nổi tiếng với dấu tay của những người nổi tiếng và giáp với bờ sông Tsim Sha Tsui, bao quanh là Cảng Victoria.
Theo Vogue Business, bộ sưu tập sẽ được phát trực tiếp tại địa phương trên các bảng quảng cáo kỹ thuật số và trên toàn cầu thông qua các kênh xã hội của Louis Vuitton. Việc lựa chọn địa điểm gửi đi một thông điệp rõ ràng: Hồng Kông đã trở lại trên bản đồ của các thương hiệu xa xỉ quốc tế.
LỢI THẾ CỦA HỒNG KÔNG
Cơ quan Thống kê chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) mới đây đã công bố số liệu bán lẻ mới nhất, theo đó tổng doanh số bán lẻ trong giai đoạn từ tháng 1 - 9 năm 2023 ước tính là 31,8 tỷ HKD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, các mặt hàng trang sức, đồng hồ và quà tặng cao cấp tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước; thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá tăng 16,5%; quần áo tăng 41,5%; thuốc và mỹ phẩm tăng 50,6%, thuốc đông y tăng 14%...
Người phát ngôn chính quyền Hong Kong cho biết, nhờ ngành du lịch và tiêu dùng cá nhân tiếp tục phục hồi, doanh số bán lẻ tiếp tục tăng đáng kể so với cùng kỳ trong tháng 9. Triển vọng thời gian tới, lượng khách du lịch phục hồi hơn nữa sẽ mang lại lợi ích cho ngành bán lẻ. Theo Cục Phát triển du lịch Hong Kong, từ tháng 1 - 9 năm nay đã có 23,3 triệu lượt khách du lịch đến thăm Hong Kong, riêng trong Tuần lễ vàng Quốc khánh Trung Quốc từ ngày 29/9 - 6/10, có 1,1 triệu lượt du khách Trung Quốc đại lục thăm Hong Kong, trung bình là 140.000 lượt người/ngày.
Trung Quốc mở lại hoàn toàn biên giới với Hồng Kông vào ngày 6/2 sau gần ba năm đóng cửa vì đại dịch. “Hồng Kông, Ma Cao và Hải Nam đã được hồi sinh mạnh mẽ kể từ đó,” Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Cartier Cyrille Vigneron cho biết trong bản cập nhật quý 2 của công ty mẹ Richemont vào ngày 10/11 vừa qua. “Chúng tôi đã chứng kiến mức tăng trưởng ba chữ số so với mức thấp của năm ngoái. Doanh thu vẫn chưa đạt đến mức trước Covid-19, nhưng sự phục hồi đang diễn ra khá nhanh”.
Liệu Hồng Kông có lấy lại được dấu ấn sau ba năm gián đoạn? Các chuyên gia cho rằng thành phố này có vị trí tốt để hưởng lợi từ Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao (GBA), một thỏa thuận được ký năm 2017 nhằm tăng cường kết nối và hợp tác giữa các thành phố phía Nam Trung Quốc. Hồng Kông là thành phố quốc tế nhất trong GBA và tự hào có môi trường thân thiện với doanh nghiệp, nơi đã chào đón cơ sở hạ tầng giao thông mới được ưu tiên theo GBA. Thành phố đang nỗ lực khôi phục hình ảnh của mình, cho dù đó là các chiến dịch kích cầu du lịch (ví dụ như 500.000 vé máy bay miễn phí) hay các sự kiện văn hóa.
Theo ước tính của HSBC, doanh số bán hàng xa xỉ ở Châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc đại lục, dự kiến sẽ tăng 20% trong năm tới nhờ Hồng Kông, Ma Cao, Hàn Quốc và Nhật Bản. “Hồng Kông vẫn còn dư địa để tăng trưởng trong năm tới bởi điểm đến này vẫn chưa đón được hơn 1/3 số du khách Trung Quốc đã từng đến vào năm 2019,” Erwan Rambourg, giám đốc điều hành, người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu vốn cổ phần bán lẻ và tiêu dùng tại HSBC cho biết.
Thị trường này cũng có chất lượng không gian bán lẻ sang trọng cao hơn so với trước Covid-19, sau một loạt đợt tân trang lại. Trong số đó, cửa hàng Harbor City đã được tân trang lại của Hermès có quy mô gần gấp đôi. Benjamin Vuchot, Chủ tịch và giám đốc điều hành của nhà bán lẻ hàng xa xỉ thuộc sở hữu của LVMH, DFS Group, cho biết: “Hồng Kông đang có những thay đổi thúc đẩy thị trường, với sự hợp nhất bán lẻ song song với nhiều đổi mới và đầu tư".
Nhưng một thách thức lớn mà Hồng Kông phải đối mặt là sự gia tăng cạnh tranh từ Hải Nam và các thành phố đại lục như Thâm Quyến, cũng như các đối thủ hiện tại để giành ngôi vương kinh đô thời trang của Trung Quốc, Thượng Hải và Bắc Kinh, và ở mức độ thấp hơn là Hàng Châu, Thành Đô và Quảng Châu.
NHỮNG ĐỐI THỦ CẠNH TRANH
Thâm Quyến, nơi Chanel vừa trình làng bộ sưu tập Resort của họ, là một điểm đến xa xỉ ngày càng được ưa chuộng. Trung tâm mua sắm MixC Vịnh Thâm Quyến là nơi tập trung khá nhiều các thương hiệu cao cấp, trong đó có Chanel kể từ năm 2021. Là một trung tâm công nghệ, Thâm Quyến có 113 tỷ phú vào năm 2022, vượt qua New York, theo bảng xếp hạng hàng năm của công ty tư nhân Trung Quốc Hurun. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Thâm Quyến vẫn còn một chặng đường dài để có thể sánh ngang với đối thủ Hồng Kông về mặt thời trang.
Nhờ vị thế cảng thương mại tự do, đảo Hải Nam đã trở thành trung tâm chi tiêu xa xỉ của người dân Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch. Giờ đây, chính quyền địa phương đang thiết lập hệ thống hải quan quốc tế của riêng mình, có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với ngành hàng xa xỉ hiện đang gặp khó khăn trước sự hiện diện của daigou - những thương nhân lợi dụng chênh lệch giá xuyên biên giới để bán lại hàng xa xỉ trên thị trường chợ đen.
Theo phân tích, Hồng Kông và Ma Cao sẽ “bùng nổ” trong sáu tháng đầu năm 2024 khi khách du lịch Trung Quốc tiếp tục đổ xô đến thành phố này, nhưng mức tăng trưởng này dự kiến sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm, với việc Hải Nam chiếm tỷ trọng lớn hơn trong chi tiêu xa xỉ, báo cáo mới nhất của công ty tư vấn quản lý Bain & Company và hiệp hội hàng xa xỉ Ý Altagamma dự đoán. Tăng trưởng chi tiêu tại Hải Nam, hiện đang hoạt động theo mô hình mua sắm miễn thuế, dự đoán sẽ "bùng nổ" vào cuối năm 2025.
Giám đốc tài chính LVMH Jean-Jacques Guiony nói với các nhà phân tích vào tháng 10: “Cách các thương hiệu có thể hoạt động trong môi trường này sẽ là hoàn toàn khác với hiện tại. Với số lượng người đến thăm Hải Nam hàng năm, thật đáng để coi đây là một thị trường quan trọng và do đó, tất cả các thương hiệu của chúng tôi đều đang dự tính mở cửa hàng theo cách có chọn lọc ở Hải Nam”.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, Hồng Kông vẫn có thể tự tin vào thế mạnh trải nghiệm mua sắm cao cấp và nền ẩm thực ấn tượng. Đây là nơi thậm chí có nhiều nhà hàng được gắn sao Michelin hơn New York (lần lượt là 78 và 71 vào năm 2023). Ngoài ra còn có nghệ thuật: bảo tàng mới M+ mở cửa vào năm 2021, trong khi Cartier tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Cung điện Hồng Kông vào đầu năm nay. Art Basel đã trở lại đầy đủ vào tháng 3 năm nay và nhà đấu giá Christie’s sẽ khai trương trụ sở mới trong một tòa nhà hình tên lửa do kiến trúc sư Zaha Hadid thiết kế vào năm tới.