Các thương hiệu xa xỉ "khoe khoang" điều gì tại Trung Quốc năm 2024?
Rất nhiều các “ông lớn” trong ngành đã hội tụ tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) lần thứ 6 tổ chức tại Thượng Hải mới đây. Nhìn vào đó, có thể thấy được những chiến lược mới nhất của các thương hiệu sau một năm 2023 nhiều biến động...
Hội chợ thường niên này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động cách đây 6 năm, nhằm đóng vai trò là “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội cho thị trường toàn cầu. Kể từ đó, hội chợ đã trở thành địa điểm quan trọng để các tập đoàn như LVMH, Kering, Richemont hay L'Oréal thử nghiệm phản ứng của người dân địa phương đối với các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ của họ.
CÁC THƯƠNG HIỆU ĐUA NHAU “KHOE SẮC”
Fabrice Megarbane, chủ tịch L’Oréal Bắc Á và Giám đốc điều hành của L’Oréal Trung Quốc, nói với tạp chí Vogue Business: “Tại CIIE, chúng tôi thường ra mắt những sản phẩm và công nghệ làm đẹp tốt nhất của mình, biến các cuộc triển lãm thành cơ hội giới thiệu sản phẩm và thu hút khách hàng”.
Đối với các thương hiệu xa xỉ quốc tế, CIIE là cơ hội để kết nối lại một cách hiệu quả với thị trường Trung Quốc sau ba năm đóng cửa. “Richemont rất coi trọng thị trường Trung Quốc. Nhiều thương hiệu nổi tiếng của tập đoàn đã cải thiện mối quan hệ của họ với các đối tác và người tiêu dùng Trung Quốc bằng cách tham gia CIIE,” Jenny Gu, Giám đốc điều hành của Richemont Trung Quốc cho biết.
Năm ngoái, các thương hiệu đã sử dụng sự kiện CIIE để thể hiện cam kết không ngừng của họ với thị trường Trung Quốc bất chấp sự suy thoái mạnh do chính sách “zero Covid”. Vài tháng sau, Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới, khiến doanh số bán hàng tăng cao. Tuy nhiên, theo một báo cáo được công bố vào tuần trước bởi Bain & Company và hiệp hội hàng xa xỉ Ý Altagamma, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại kể từ đó.
Dù vậy, các thương hiệu xa xỉ vẫn lạc quan rằng các kích thích kinh tế mới trong quý 3 dự kiến sẽ khuyến khích tiêu dùng và đầu tư địa phương tại các thành phố cấp 1 từ nay cho đến năm 2024. Mười hai nhãn hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH đã tham gia năm nay, đặc biệt lần đầu tiên có sự xuất hiện của Celine và Loewe. Tập đoàn lớn nhất trong thế giới xa xỉ đã tận dụng CIIE để tăng mức độ phù hợp với địa phương trong mắt chính phủ và người tiêu dùng Trung Quốc, bày tỏ lòng tôn trọng đối với truyền thống và văn hóa địa phương.
Một ví dụ là chiếc túi xách phiên bản giới hạn Dior Lady Art #8, do Dior và nghệ sĩ Trung Quốc Xu Zhen hợp tác thiết kế. Tương tự, Fendi trưng bày một chiếc túi xách được chế tác bởi hai nghệ nhân là những người trông coi di sản văn hóa của người Yi – một dân tộc thiểu số ở phía tây nam Trung Quốc như Vân Nam Quý Châu và Tứ Xuyên - nổi bật là đồ trang sức bạc và đồ thêu.
Trong khi đó, “East Meet West” (Đông Tây gặp gỡ) là chủ đề của chuỗi sự kiện do Bulgari tổ chức, bao gồm bản xem trước của bộ sưu tập túi Serpenti Forever; một tác phẩm sắp đặt nghệ thuật được hỗ trợ bởi AI có khả năng ghi lại sóng não và nhịp tim của người dùng khi họ quan sát các tác phẩm nghệ thuật, sau đó chuyển các làn sóng suy nghĩ thành các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số độc đáo.
Còn thương hiệu Vacheron Constantin thuộc sở hữu của Richemont đã tổ chức một triển lãm nghệ thuật mang tên “Mây lang thang làm rồng giật mình” để chào mừng Năm con Rồng theo lịch Trung Quốc. “Đại gia” trang sức Cartier thì đã chiếu một bộ phim ngắn có tựa đề China Love.
Năm nay là năm kỷ niệm 60 năm thành lập Kering cũng như kỷ niệm 10 năm đổi tên tập đoàn (từ tên cũ PPR). Để giới thiệu tất cả các thương hiệu của mình, bao gồm Gucci, Saint Laurent và Bottega Veneta, tập đoàn này đã xây dựng một phòng triển lãm theo mô hình trụ sở chính ở Paris. Jinqing Cai, chủ tịch Kering tại Trung Quốc đại lục, coi CIIE là cơ hội quan trọng để “mở rộng các cơ hội hợp tác hướng tới tương lai và cùng sáng tạo với thị trường Trung Quốc”.
Các thương hiệu như Burberry và Dolce & Gabbana thì tập trung vào văn hóa thương hiệu và tận dụng CIIE để giới thiệu đặc trưng phong cách của họ tới Trung Quốc. Thiết kế gian hàng của gian hàng của Burberry được lấy cảm hứng từ hoa hồng Anh, tượng trưng cho sự lãng mạn và sang trọng, đồng thời tập trung vào bộ sưu tập đầu tay của giám đốc sáng tạo Daniel Lee. Dolce & Gabbana tiếp tục tái diễn lợi thế “Made in Italy” bằng cách trưng bày đồng hồ, trang sức, phụ kiện gia đình và sản phẩm làm đẹp, bao gồm cả phiên bản đặc biệt của túi xách Devotion.
CẠNH TRANH VỀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
Tại CIIE năm nay, các thương hiệu thời trang và làm đẹp cũng đã chuyển từ cách trưng bày sản phẩm đơn giản sang thể hiện năng lực công nghệ của mình. Tập đoàn L'Oréal, một “cựu chiến binh” của CIIE đã tham gia hàng năm, trưng bày các sản phẩm từ 22 thương hiệu, bao gồm thương hiệu chăm sóc da Aēsop của Úc, Kérastase Paris, Armani Beauty và Shu Uemura, cũng như các cải tiến kỹ thuật từ dụng cụ trang điểm dành cho người hạn chế khả năng vận động cho đến công cụ in 3D để vẽ lông mày.
Tương tự, Estée Lauder đã mang đến 16 thương hiệu, trong đó giới thiệu hàng trăm mặt hàng mới, bao gồm cả dòng sản phẩm lựu đỏ của Estée Lauder nhắm đến làn da châu Á. Hãng cũng giới thiệu VISIA CR 5.0, thiết bị có thể ghi lại màu da và đường nét trên khuôn mặt chỉ trong một lần chụp, cùng các thiết bị kiểm tra da tiên tiến như máy kiểm tra phân bổ độ ẩm cho da; bản đồ độ ẩm và kính hiển vi da kỹ thuật số Hirox...
Nhân dịp này, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành thị trường Trung Quốc của Estée Lauder, Joy Fan, đã đưa ra chiến lược “đổi mới địa phương”. “Người tiêu dùng Trung Quốc truyền cảm hứng cho sự đổi mới sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ có thêm nhiều sáng kiến R&D (nghiên cứu và phát triển) do người Trung Quốc dẫn đầu, và thực hiện những sáng kiến này dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc”.
Không chỉ dành cho các “ông lớn”, một số thương hiệu phổ thông cũng sử dụng CIIE để giới thiệu công nghệ và sáng kiến nhằm thu hút sự chú ý của địa phương cũng như lắng nghe phản hồi từ người dùng. Ví dụ, Uniqlo đã giới thiệu công nghệ sợi nano và đồ lót giữ nhiệt Heattech siêu nhẹ áp dụng cho dòng quần áo mới của mình. Thương hiệu này cũng tiết lộ rằng họ đặt mục tiêu mở 60 cửa hàng bán lẻ mới trên khắp Trung Quốc trong năm nay.
Thương hiệu thể thao Nike thì tuyên bố sẽ thành lập Phòng thí nghiệm nghiên cứu thể thao Trung Quốc (NSRL) tại Thượng Hải vào năm 2024. Angela Dong Wei, phó chủ tịch toàn cầu kiêm tổng giám đốc của thương hiệu tại Trung Quốc đại lục, cho biết những thông tin trực tiếp về người tiêu dùng và dữ liệu nghiên cứu từ Trung Quốc sẽ cung cấp thông tin về xu hướng sản phẩm trên toàn thế giới của thương hiệu này.
Bên cạnh công nghệ, tính bền vững là một điểm trọng tâm khác của nhiều thương hiệu tại CIIE. Canada Goose đã đưa ra cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ hợp tác với chính quyền địa phương để bảo vệ động vật hoang dã ở Công viên Quốc gia Sanjiangyuan; dự án CSR lớn đầu tiên của thương hiệu này bên ngoài Canada. Thương hiệu Coach thuộc sở hữu của Tapestry thì giới thiệu dòng sản phẩm phụ Coachtopia với CIIE. Một chiếc túi Coachtopia có thể làm thêm hai đến ba chiếc túi nữa hoặc kết hợp thành một chiếc. Ngoài việc lựa chọn vật liệu, nhóm còn thiết kế phương pháp tháo rời thân thiện với môi trường hơn và bổ sung hộ chiếu kỹ thuật số để người tiêu dùng có thể theo dõi vật liệu sản xuất…