Các quốc gia châu Âu khuyến khích người dân “ăn chắc, mặc bền”
Theo báo cáo của CBI mới đây, hàng năm người dân ở Liên minh châu Âu (EU) thải bỏ 5,8 triệu tấn hàng dệt may, khoảng 11,3 kg/người. Ngành công nghiệp đốt hoặc chôn lấp phần lớn chất thải này hoặc xuất khẩu dưới dạng quần áo cũ…
Theo SCMP, mỗi người có một kỳ vọng khác nhau về tuổi thọ của các mặt hàng thời trang. Vào những năm 1990, người tiêu dùng có những áp lực nhất định khiến họ phải chạy theo xu hướng và mua các loại xa xỉ phẩm mới nhất. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người dùng bắt đầu tập trung hơn vào tính bền vững. Ở một mức độ nào đó, nhu cầu thắt chặt chi tiêu cũng khiến người dùng hạn chế mua sắm các loại sản phẩm thời thượng hơn.
Đặc biệt, hồi tháng 6 năm nay, Nghị viện châu Âu thông qua chiến lược mới, kêu gọi các công ty thời trang hoạt động ở châu Âu áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao hơn. Các nhà lập pháp đang soạn thảo hơn 10 luật mới, yêu cầu các thương hiệu làm cho quy trình sản xuất trở nên xanh hơn và có trách nhiệm cao hơn đối với rác thải liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp. Đặc biệt, EU đã bắt đầu một chiến dịch mới, thiết lập lại xu hướng, để chống lại đống chất thải dệt may ngày càng tăng. Chiến dịch nêu bật một số biện pháp mới để giảm chất thải dệt may: từ yêu cầu thiết kế đến tiêu chí chống quảng cáo tẩy xanh (greenwash).
Tại Pháp, bắt đầu từ tháng 10 vừa qua, người dân đã có thể hưởng lợi từ chương trình mà Chính phủ Pháp áp dụng là hoàn tiền cho những người đem quần áo và giày dép cũ đi sửa chữa và làm mới. Ước tính khoảng 700.000 tấn quần áo bị vứt đi ở Pháp hằng năm, trong đó khoảng 2/3 được đưa đến bãi rác. Bộ trưởng Sinh thái Pháp Berangere Couillard công bố chương trình trên khi thăm một trung tâm thời trang có trách nhiệm tại Paris.
Bà cho biết tiền thưởng sửa chữa sẽ được lấy từ quỹ 154 triệu euro mà chính phủ đã dành ra trong 5 năm tới. Bà đã mời tất cả các xưởng may và thợ đóng giày tham gia chương trình do tổ chức sinh thái Refashion điều hành. "Mục tiêu là hỗ trợ những người sửa vá. Điều này sẽ khuyến khích các xưởng và nhà bán lẻ cung cấp dịch vụ sửa chữa với hy vọng tạo lại việc làm", bà cho biết. Trước tình trạng nhiều người tiêu dùng phải trả số tiền lớn để sửa chữa quần áo hay giày dép, song song với nỗi lo thời trang nhanh đang trở nên phổ biến, chương trình đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân.
Ông Clement Woo, thợ đóng giày Pháp cho biết: "Đôi khi khách hàng phản hồi với chúng tôi rằng, một số dịch vụ còn quá đắt so với giá của chiếc giày ban đầu. Vì vậy, chương trình hỗ trợ này sẽ giúp thu hút khách hàng mới dễ dàng hơn và thời gian sửa chữa cũng sẽ nhanh hơn". Theo chương trình, khách hàng có thể yêu cầu hỗ trợ 7 euro cho việc sửa đế giày và 10 đến 25 euro cho việc sửa chữa quần áo. Nguồn tiền hỗ trợ sẽ được trích từ một khoản ngân sách 154 triệu euro để chi trả cho giai đoạn 2023 đến 2028.
Hơn 100 tỉ mặt hàng dệt may, gồm quần áo, giày dép và đồ vải gia dụng, được bán trên toàn thế giới hàng năm. Ở Pháp, con số này lên đến khoảng 10,5 kg/người hằng năm. Tổ chức Refashion khuyến khích mọi người không chỉ sửa chữa và tái sử dụng mà còn giảm số lượng hàng dệt may họ mua và quyên góp những thứ họ không còn dùng. Khoảng 56% số đồ quyên góp có thể được sử dụng lại và 32% có thể được tái chế.
Chương trình thưởng sửa chữa là một phần trong nỗ lực lớn của chính phủ Pháp triển khai từ cuối năm ngoái nhằm cải cách ngành dệt may - một trong những ngành gây ô nhiễm nhất hành tinh - và chống lại cái gọi là thời trang nhanh. Bà Elsa Chasssagnette, người đứng đầu Quỹ sinh thái Refashion, Pháp cho biết: "Chúng tôi có hai mục tiêu được chính quyền đặt ra, chúng tôi cần phải sửa chữa thêm 35% các món đồ vào năm 2028. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ có thêm 1.500 thợ sửa chữa được chứng nhận hành nghề vào năm 2025, hiện mới chỉ có 600 thợ được chứng nhận tính đến thời điểm hiện tại".
Trong khi đó, ở các thành phố nước Anh, thỉnh thoảng trên phố sẽ xuất hiện những nhóm người ngồi khâu vá. Những người này tổ chức sự kiện sửa chữa quần áo trước các cửa hàng "thời trang nhanh" nhiều lần trong năm với mục đích nâng cao nhận thức của người dân về việc tiêu dùng quá nhiều quần áo. Thông điệp của họ là “khâu chứ không vứt”, có nghĩa là đừng vì ham thời trang nhanh rẻ mà vứt bỏ quần áo, dễ dàng mua mới.
Bà Suzi Warren, người sáng lập phong trào "Khâu vá trên phố" ở Anh, nói: "Ý tưởng là chúng tôi ngồi bên ngoài những cửa hàng thời trang nhanh ở các khu phố mua sắm, để chúng tôi thể hiện rằng những gì chúng tôi làm là phương án khác với nơi mà chúng tôi đang ngồi cạnh. Cửa hàng Primark là một ví dụ chính xác về một nơi mà người ta hay tới để mua sắm hàng loạt, dùng trong vài tuần hoặc mặc vài lần là vứt bỏ. Những người tham gia phong trào này khuyên người tiêu dùng rằng khi đã mua gì thì hãy lập nên một mối quan hệ với đồ vật đó, giữ nó càng lâu càng tốt”.
Mỗi khi những người đi qua dừng lại hỏi han, nhóm "khâu vá trên phố" lại có cơ hội để hướng dẫn họ cách sửa quần áo, thậm chí cho họ thấy sửa quần áo cũng là một niềm vui, là cách để thiền, tốt cho sức khỏe tâm thần mà lại không cần đầu tư gì nhiều, ngoài một cây kim và cuộn chỉ. Giáo sư Natascha Radclyffe-Thomas, thuộc Trường Đại học Thời trang London, Anh, cho biết: "Có mối liên hệ lớn giữa việc tiêu dùng quá nhiều và cuộc khủng hoảng khí hậu. Có nhiều nguồn lực bị hoang phí khi đưa vào sản xuất, phân phối và bán quần áo… Vậy mà người ta cứ mua rồi lại vứt đi. Thật sự rất hoang phí".
Còn tại Bỉ, người dân không cần phải vứt bỏ quần áo hoặc dụng cụ thể thao bị hỏng. Decathlon, nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới, hiện cung cấp một dịch vụ sửa chữa diện rộng. Dịch vụ này chủ yếu phục vụ những việc sửa chữa nhỏ như đường may bị rách hoặc khóa kéo bị đứt, nhưng đồng thời họ cũng nhận sửa chữa quần áo, ba lô và dụng cụ cắm trại. Bạn có thể mang đồ thể thao của bất kỳ thương hiệu nào đến để sửa chữa chứ không chỉ riêng sản phẩm Decathlon.
Trong tình hình hiện tại, có đến 90% lượng quần áo bị vứt đi khi chúng vẫn còn có thể được sử dụng tiếp. Trong đó, chưa đến 1% lượng quần áo cũ được tái chế thành những bộ trang phục mới và 73% lượng áo quần bị đem đi đốt hoặc đưa vào các bãi chôn lấp. Sa mạc Atacama, Chile, nơi đang chứa hàng tấn quần áo thừa từ châu Âu, Mỹ và châu Á, là minh chứng rõ nhất của việc tiêu thụ quá mức và thói quen lãng phí trang phục.
Sửa chữa quần áo được xem là hành động thiết yếu để xây dựng ngành công nghiệp thời trang bền vững trong tương lai. Khi các thương hiệu bắt đầu giới thiệu dịch vụ này, bạn có thể tìm thấy các địa điểm sửa chữa và tân trang quần áo, nơi mang đến sức sống mới cho những bộ trang phục, giúp kéo dài tuổi thọ của chúng. Theo The Wall Street Journal, trong khi một số thương hiệu thời trang xa xỉ từ lâu đã cung cấp dịch vụ sửa chữa các sản phẩm đắt tiền thì việc triển khai dịch vụ này ở quy mô lớn vẫn đang là xu hướng mới đối với các nhà bán lẻ thời trang phổ thông.