06:00 06/05/2023

Đà Lạt sẽ mở rộng diện tích gấp 4,3 lần

Ban Mai

Sau khi sáp nhập thêm huyện Lạc Dương, diện tích TP. Đà Lạt sẽ rộng 1.705 km2, gấp 4,3 lần hiện tại…

hHuyện Lạc Dương nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 12 km, ở độ cao từ 1.500 m so với mực nước biển.
hHuyện Lạc Dương nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 12 km, ở độ cao từ 1.500 m so với mực nước biển.

Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành Kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 44, trong đó có kết luận nội dung quan trọng về phương án sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2023.

Trên cơ sở xem xét các tờ trình, dự thảo báo cáo, văn bản xin ý kiến và qua thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng kết luận cơ bản thống nhất phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, giai đoạn 2023-2025, sẽ thực hiện việc sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP. Đà Lạt.

Diện tích tự nhiên của TP. Đà Lạt hơn 391 km2, dân số gần 260.000 người; Diện tích của huyện Lạc Dương gần 1.314 km2, dân số gần 36.000 người, có độ che phủ rừng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Sau khi sáp nhập, TP. Đà Lạt sẽ rộng 1.705 km2, gấp 4,3 lần hiện tại.

Trong giai đoạn 2023-2025, Lâm Đồng cũng sẽ thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: sáp nhập đơn vị hành chính 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 đơn vị hành chính cấp huyện.

Huyện Đạ Huoai có diện tích 495 km2 với dân số hơn 44.000 người; huyện Đạ Tẻh rộng hơn 526 km2, dân số hơn 57.000 người; còn huyện Cát Tiên rộng hơn 426 km2 với dân số gần 45.000 người.

Sau khi 3 huyện này được sáp nhập thành một đơn vị hành chính cấp huyện mới sẽ có diện tích rộng 1.483 km2 với dân số 146.000 người.

Đối với việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, gồm: xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh; xã Quảng Lập vào xã Ka Đô thuộc huyện Đơn Dương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng thống nhất điều chỉnh địa giới hành chính các xã: Lộc An, Lộc Nam, Tân Lạc, Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) nhập vào TP. Bảo Lộc.

Riêng xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm cần nghiên cứu, đánh giá lại cho phù hợp điều kiện thực tế trước khi có kết luận sáp nhập vào thành phố Bảo Lộc hay không và sẽ được nêu trong kết luận hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về phương án sắp xếp đơn vị cấp huyện, xã sắp tới của Tỉnh ủy.

Tỉnh ủy Lâm Đồng giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Đồng thời nghiên cứu, tham mưu dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét cho ý kiến vào kỳ họp sắp tới.

Trên cơ sở kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án và Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030;

Chỉ đạo các thành ủy, huyện ủy và UBND các huyện, thành phố có liên quan thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc để thực hiện việc sắp xếp, tập trung triển khai các bước tiếp theo, bảo đảm lộ trình, trình tự, thủ tục đúng quy định.

 

Trước đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 (ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị) về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, Lâm Đồng sẽ tập trung huy động nguồn lực phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng…

Cụ thể, sẽ mở rộng không gian đô thị TP. Đà Lạt thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc tầm quốc gia và khu vực.

Bảo Lộc sẽ là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh, trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với vùng TP.HCM, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Đô thị Đức Trọng là cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm công nghiệp dược, mỹ phẩm cấp vùng.

Đô thị Di Linh là đô thị trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Riêng đô thị Mađaguôi là trung tâm động lực kinh tế - xã hội 3 huyện phía Nam của tỉnh.