09:05 02/11/2010

Đại biểu Quốc hội và bộ trưởng “chia sẻ” về hệ lụy của quy hoạch

Nguyên Hà

Đại biểu “phê” quy hoạch xi măng phải điều chỉnh tới 4 lần trong vòng 12 năm, Bộ trưởng nói bây giờ mới đang điều chỉnh

Đại biểu Lê Như Tiến luôn chỉ chọn một vấn đề để phát biểu.
Đại biểu Lê Như Tiến luôn chỉ chọn một vấn đề để phát biểu.
Đại biểu “phê” quy hoạch xi măng phải điều chỉnh tới 4 lần trong vòng 12 năm, Bộ trưởng nói bây giờ mới đang điều chỉnh…

Với sự xuất hiện của 4 vị bộ trưởng và trưởng ngành, ngày thảo luận đầu tiên tại hội trường của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội (1/11) đã có khá nhiều băn khoăn, lo lắng của đại biểu được “chia sẻ” ngay tại nghị trường.

Khi ngành điện trở thành… nạn nhân

Cũng như nhiều phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội khác, đại biểu Lê Như Tiến luôn đăng ký phát biểu ngay từ buổi sáng phiên thảo luận đầu tiên và chỉ tập trung vào một vấn đề.

Tầm nhìn và chất lượng quy hoạch là nội dung được đại biểu Tiến chọn cho lần đăng đàn này. Theo ông, trong những năm qua, công tác quy hoạch của nước ta còn nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo nên quy hoạch rời rạc, chắp vá, thiếu liên kết, kém bền vững, không hiệu quả, gây lãng phí về cơ hội, về tài nguyên, đất đai, vốn đầu tư, nguồn nhân lực.

Dẫn chứng đầu tiên được nêu ra, đó là do thiếu tầm nhìn nên chỉ trong vòng 12 năm Bộ Xây dựng đã phải trình Thủ tướng Chính phủ 4 lần điều chỉnh quy hoạch ngành xi măng do bị vỡ quy hoạch, cung vượt quá cầu. Với 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất thiết kế khoảng 65 triệu tấn/năm thì năm 2010 thì cung vượt cầu khoảng 3 triệu tấn và năm 2011 là 7 triệu tấn xi măng dư thừa.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, theo đại biểu Tiến là quy hoạch ngành thép có nguy cơ bị đổ bể. Bộ Công Thương đã phải soạn thảo đề án trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch ngành thép, nguyên nhân là do nhiều địa phương xé rào quy hoạch.

Trong 65 dự án sản xuất thép có tới 32 dự án được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư song chưa được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng hoặc ý kiến thỏa thuận của Bộ Công thương, đó là hiện tượng "tiền trảm hậu tấu" trong quy hoạch. Đến nay tổng công suất thép cả nước đã lên tới hơn 20 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 11,5 triệu tấn, đại biểu phân tích.

Và dẫn chứng, ở một tỉnh miền Đông Nam Bộ có 18 dự án thép thì 9 dự án nằm ngoài quy hoạch, các nhà máy thép này ngang nhiên xài tới trên 60% sản lượng điện cả tỉnh. Ngành điện hụt hơi vì ngành thép, các ngành công nghiệp khác và các khu dân cư cũng bị vạ lây do cắt điện bởi sự bành trướng thái quá của quy hoạch ngành thép.

Một nghịch lý đang diễn ra được vị đại biều này nhấn mạnh là khi nhiều ngành công nghiệp là nạn nhân của ngành điện thì đến lượt mình ngành điện lại trở thành nạn nhân. Đó là Quy hoạch điện 6 có nguy cơ bị phá vỡ do thiếu than, mỗi năm ngành công nghiệp khai thác than xuất khẩu tới 50% sản lượng.

“Hiện nay ngành than đang hối hả xuất khẩu 18 triệu tấn than để hoàn thành kế hoạch năm 2010, trong khi đó 31 nhà máy nhiệt điện đang đói than từng ngày, dự kiến phải nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn than/năm. Hàng chục nhà máy xi măng cùng hàng ngàn xí nghiệp gốm sứ, vôi gạch, thủ công mỹ nghệ phải ăn đong than từng giờ. Nhiều nhà máy, phân xưởng có nguy cơ ngừng sản xuất do thiếu than’, đại biểu Tiến phân tích.

Ngăn chặn “phong trào xi măng”

Là vị bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân “chia sẻ và đồng tình với ý kiến của đại biểu Tiến về công tác quy hoạch của chúng ta có vấn đề về chất lượng, về sự đồng bộ”.

Chỉ phát biểu về vấn đề quy hoạch xi măng mà đại biểu Tiến đã nêu, Bộ trưởng khẳng định, quy hoạch xi măng thuộc phạm vi chức năng của ngành xây dựng.

Thừa nhận “số liệu đại biểu nêu cũng có cái đúng”, Bộ trưởng cho biết, mỗi năm thị trường xi măng tăng trưởng khoảng 11%, tức là khoảng 4,5-5 triệu tấn/1 năm. Năm nay cả nước tiêu thụ khoảng 50,5-51 triệu tấn xi măng, dự báo cuối năm nay chúng ta sẽ có khoảng 55-56 triệu tấn xi măng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng “đính chính” rằng “trong những năm vừa qua không phải chúng tôi điều chỉnh quy hoạch xi măng đến 4 lần như đại biểu nói mà quy hoạch 108 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây 5 năm, bây giờ chúng tôi đang điều chỉnh”.

Việc điều chỉnh, theo Bộ trưởng là nhằm mục tiêu đảm bảo bình ổn thị trường. Bởi vì chúng ta đang phải nhập khẩu clinke khoảng 3-3,5 triệu tấn/1 năm. “Như ngay trong năm nay mình nói là thừa xi măng như thế nhưng trên thực tế vẫn còn phải nhập khẩu tới 1,7 triệu tấn clinke”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đang chỉ đạo một mặt tăng cung, mặt khác hạn chế nhập khẩu clinke. Bởi vậy, năm ngoái nhập khẩu 3,5 triệu tấn clinke, năm nay chỉ nhập 1,7 triệu tấn.

Cũng theo Bộ trưởng, nước ta chia ra làm 6 vùng nguyên liệu xi măng và gắn với phát triển kinh tế - xã hội của vùng để đảm bảo việc các dự án xi măng có hiệu quả. Theo dự báo trong những năm tới thị trường xi măng tiếp tục tăng, sẽ dư thừa xi măng từ 2 - 5 triệu tấn.

Trong những biện pháp đang được Bộ đề xuất với Chính phủ có việc tăng các dự án đầu tư vào vật liệu xây dựng không nung để thay thế cho gạch ngói, đất sét nung. Tiếp nữa là “phải tính đến việc xuất khẩu”.

Cuối phần phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân tiếp tục “thanh minh” về việc cung nhỏ hơn cầu, làm xi măng ra bán không hết là do “các nhà doanh nghiệp thấy làm xi măng dễ quá nên cũng muốn đầu tư, nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư”.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng, ở nhiều địa phương, nhất là những địa phương nghèo, có nhà đầu tư đến thì cũng mừng, “nên tâm lý anh em hay ủng hộ, hay khuyến khích, thậm chí tạo điều kiện cho nhà đầu tư đầu tư xi măng vào”.

Tuy nhiên, “đầu tư ra nhà máy xi măng cũng dễ nhưng làm xong nhà máy xi măng rồi mà không bán được xi măng thì người đầu tư cũng chết. Việc này cũng cần phải có một quá trình để thay đổi nhận thức”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói.

Cho rằng, “bức tranh vĩ mô về cung - cầu xi măng của toàn quốc có khi các đồng chí không biết, có khi lãnh đạo địa phương cũng không biết và nhà đầu tư có khi cũng không biết”, Bộ trưởng nêu quyết tâm của Bộ cố gắng giúp Chính phủ không để xảy ra câu chuyện gọi là "phong trào xi măng".

Năm nay thị trường đang từng bước đi vào ổn định, hiện nay đã giảm nhập khẩu clinke rồi, cung cầu ổn định, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân kết thúc phần phát biểu.