08:28 27/01/2016

Đại hội 12: Vui - buồn từ lá phiếu

Nguyên Thảo

Người vui, ắt có người buồn, đó là lẽ thường của đa số các cuộc bỏ phiếu

Các đại biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 12 sau cuộc bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.<br>
Các đại biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 12 sau cuộc bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.<br>
Chiều 26/1, chỉ ít phút sau khi kết quả bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 chính thức được công bố, hành lang Đại hội 12 tràn ngập những cái bắt tay, những lời hoan hỷ, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều khoảng lặng.

Không ít vị ủy viên Trung ương khoá 11 được giới thiệu tái cử đã không đạt đủ số phiếu để có mặt ở Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ mới. Nhưng có lẽ với đông đảo người dân, lá phiếu của các thành viên Chính phủ, trong đó có các vị “tư lệnh” ngành được họ quan tâm nhiều hơn.

Nhiều thành viên Chính phủ đương nhiệm đã tái đắc cử Trung ương. Như, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Đa số trong số này đều có tỷ lệ phiếu thuận từ cao đến rất cao, không ai thuộc nhóm “tín nhiệm thấp”.

Đây cũng có thể được coi là điều rất thuận lợi cả với những vị sẽ được giao trọng trách cao hơn - mà như thế cũng có nghĩa là phải trải qua “thử thách” mới với lá phiếu ngay trong ngày 27/1 - và cả với những vị vẫn ở vị trí hiện tại nhiệm kỳ tới.

Bên cạnh các vị trên, khối quân đội cũng có nhiều các ứng viên được bầu với số phiếu rất cao, như Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7; Chuẩn đô đốc Tư lệnh Quân chủng hải quân Phạm Hoài Nam; Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hay hai vị thượng tướng - thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Bế Xuân Trường…

Tương tự, số phiếu thuận dành cho nhiều vị khối công an cũng rất cao như với Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; các vị thứ trưởng Tô Lâm, Lê Quý Vương, Nguyễn Văn Thành…

Khối công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng là ứng viên của vị trí cao hơn - một trong “tứ trụ” của đất nước nhiệm kỳ mới.

Trong số các vị uỷ viên khối quân đội, sẽ có vị chuyển công tác sang Quốc hội, theo trao đổi của Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng với báo chí.

Và, dù “đi” hay “ở” thì lá phiếu hôm nay vẫn là điều kiện cần đối với họ, cũng như nhiều người khác.

Vậy các vị được Trung ương khoá 11 giới thiệu tái cử mà không trúng thì sẽ thế nào, đó cũng là băn khoăn sau kết quả kiểm phiếu chiều 26/1.

Còn đủ tuổi và đang là thành viên Chính phủ, giữ vị trí chủ chốt ở một số ban Đảng cũng có. Quá tuổi nhưng được giới thiệu tái cử theo trường hợp “đặc biệt” cũng có. Nếu quá tuổi, có thể nhẹ nhàng hơn khi rời ghế. Số còn lại có lẽ cũng khó tránh được phần nào “tâm tư”.

Người vui, ắt có người buồn, đó là lẽ thường của đa số các cuộc bỏ phiếu.

Nửa ngày trước khi những lá phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 được bỏ vào hòm phiếu, một vị ủy viên Trung ương khoá 11 chia sẻ rằng, ông đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho cả ba tình huống.

Một là trúng cử và được đề cử vào vị trí cao hơn, hai là trúng cử và vẫn ở vị trí hiện tại, ba là không trúng cử và sẽ được bố trí làm việc khác.

Đã bầu cử trong một cuộc bầu có số dư thì tất nhiên phải có người trúng, người trượt. Và nếu đã chuẩn bị trước tâm lý cho chính mình, hẳn cũng thấy nhẹ nhàng hơn.

* Các bộ trưởng không là ủy viên Trung ương khóa 12:

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh (1949)

- Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (1952)

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (1954)

- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền (1952)

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (1953)

- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (1953)

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (1955)

- Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử (1951)

- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang (1953)

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (1955)

- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (1953)

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (1953)

- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (1959)

- Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (1955)

Các bộ trưởng đương nhiệm tiếp tục là ủy viên Trung ương khóa 12:

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (1961)

- Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (1956)

- Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (1957)

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (1956)

- Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng (1960)

- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (1961)