Dầu giảm giá mạnh tuần này, dù căng thẳng Mỹ-Iran leo thang
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi có tin Iran bắt tàu chở dầu mang cờ Anh ở Vùng Vịnh
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi có tin Iran bắt tàu chở dầu mang cờ Anh ở Vùng Vịnh - một diễn biến làm gia tăng nguy cơ gián đoạn dòng dầu vận chuyển qua eo biển Hormuz.
Theo trang MarketWatch, giá dầu đã giằng co giữa giảm và tăng trong suốt phiên giao dịch. Từ đầu phiên, giá năng lượng này được hỗ trợ bởi tuyên bố của Mỹ hôm thứ Năm rằng chiến hạm Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái (drone) của Iran ở gần eo Hormuz. Iran phủ nhận tuyên bố này của Mỹ, nói rằng chẳng có thiết bị bay nào của họ bị bắn rơi.
Giá "vàng đen" tiếp tục được nâng đỡ khi căng thẳng ở Vùng Vịnh có bước leo thang mới.
Truyền thông Iran nói rằng lực lượng Vệ binh Cách mạng của nước này đã bắt giữ một tàu chở dầu có tên Stena Impero mang cờ Anh. Sau đó, hãng tin Reuters nói một tàu chở dầu thứ hai của Anh cũng đã bị Iran bắt giữ. Thông tin này đặt ra lo ngại mới về rủi ro ở Hormuz - eo biển nơi đi qua của khoảng 1/3 lượng dầu lửa được vận tải bằng đường biển trên toàn cầu mỗi năm.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 8 tại thị trường New York tăng 0,33 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở 55,63 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 9 tăng 0,54 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, đạt 62,47 USD/thùng.
Dù được hỗ trợ bởi căng thẳng ở Vùng Vịnh - nơi được coi là "giếng dầu" của thế giới - giá dầu đã giảm mạnh trong tuần này do nỗi lo nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm tốc vì nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu đi.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters vào hôm thứ Năm, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cơ quan này sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu 2019 về 1,1 triệu thùng/ngày, so với mức 1,2 triệu thùng ngày đưa ra hồi tháng 6.
"Nguồn cung dầu ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ tăng hơn 2 triệu thùng/ngày trong 2020, trong khi tăng trưởng nhu cầu diễn ra yếu ớt", nhà phân tích năng lượng Jason Gammel thuộc Jefferies nhấn mạnh.
Theo ông Gammel, nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC và đối tác, tức nhóm OPEC+, cần phải kéo dài hết năm 2020 mới có thể giúp thị trường gần cân bằng, thay vì kéo dài đến hết năm nay như thỏa thuận đạt được mới đây.
Tồn kho xăng của Mỹ tăng mạnh và hoạt động khai thác dầu trên Vịnh Mexico được nối lại sau bão Barry cũng là những nguyên nhân đẩy dầu trượt giá trong tuần.
Tính cả tuần này, giá dầu WTI giao tháng 8 giảm 7,6%, trong khi giá dầu Brent giao tháng 9 mất 6,4%.