14:52 21/11/2010

Để chất vấn đến cùng

Nguyên Thảo

Bắt đầu từ sáng thứ Hai (22/11), Quốc hội sẽ chất vấn bốn vị bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày càng sôi động.
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày càng sôi động.
Bắt đầu từ sáng thứ Hai (22/11), ngay từ phiên họp đầu tiên trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ tám, Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ.

Cùng với danh sách các vị bộ trưởng sẽ đăng đàn, các nhóm vấn đề sẽ tập trung chất vấn cũng đã được Quốc hội thống nhất từ giữa tuần qua. Chất vấn theo nhóm vấn đề là hình thức đã được duy trì trong một số kỳ họp gần đây và được đánh giá là có nhiều ưu điểm, không chỉ tạo được không khí đối thoại sôi động mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống đang được cử tri quan tâm.

Tập hợp ý kiến và kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp này cũng đưa ra nhận xét hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội có nhiều đổi mới, tuy nhiên nhiều cử tri và nhân dân cho rằng hiệu quả hoạt động giám sát qua chất vấn vẫn chưa cao. Đồng thời kiến nghị Quốc hội cần lựa chọn những vấn đề cử tri cả nước quan tâm để tiến hành chất vấn, dành thời gian thoả đáng cho việc chất vấn và thực hiện chất vấn đến cùng, để làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, cũng như vai trò của người đứng đầu.

Mong muốn là vậy. Nhưng với thời gian khoảng trên dưới 30 ngày của một kỳ họp và mỗi năm Quốc hội chỉ họp hai kỳ thì thời gian chất vấn và trả lời chất vấn thường chỉ diễn ra trong 2,5 ngày.

Với thời gian đó, để đi đến tận cùng vấn đề như ý nguyện của cử tri và mong muốn của đại biểu, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng đã có một số đổi mới

Trước hết, như đã nói, đó là chất vấn theo nhóm vấn đề, tức là các câu hỏi và trả lời chỉ xoay quanh nội dung đã được chọn. Các vị đại biểu đã biết trước vấn đề tập trung chất vấn để có thể chuẩn bị kỹ càng hơn, nhiều đại biểu đã nhấn nút không chỉ một mà tới hai, ba lần để theo đuổi vấn đề mình nêu ra. Rồi không chỉ đơn lẻ mà có thể hai, ba đại biểu cùng “xoay” một việc để truy vấn, làm rõ…

Và thay vì chỉ được khoảng hai phần ba buổi sáng hoặc chiều, vài kỳ họp gần đây mỗi vị bộ trưởng đã “chiếm” trọn diễn đàn một buổi. Hơn nữa, bên cạnh “nhân vật chính” còn có rất nhiều các vị bộ trưởng khác sẵn sàng làm rõ hơn, sâu hơn, toàn diện hơn các vấn đề được đại biểu “truy”.

Tại kỳ họp thứ bảy, 4 vị đăng đàn, 9 vị bộ trưởng khác được mời “chia lửa”. Còn tại kỳ này, cũng 4 vị bộ trưởng sẽ trả lời, song dự kiến sẽ có nhiều hơn 10 vị “tư lệnh” ngành, lĩnh vực khác trong danh sách “trợ giúp”.

Cũng để đi đến cùng vấn đề, ngay từ đầu kỳ họp, nhiều vị đại biểu đã gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ và cho biết sẽ tiếp tục chất vấn trực tiếp vì câu trả lời (cũng bằng văn bản) còn chung chung, chưa rõ trách nhiêm. Tại kỳ họp trước, trong số 88 chất vấn trực tiếp tại hội trường cũng đã có không ít nội dung được tiếp nối từ 201 chất vấn bằng văn bản đã được gửi trước đó.

Với kỳ họp này, một tuần trước khi diễn ra phiên chất vấn tại hội trường, 203 chất vấn bằng văn bản cũng đã được chuyển đến các thành viên Chính phủ và một số vị trưởng ngành. Chắc chắn không ít vấn đề tại các chất vấn này và cả sự không hài lòng về câu trả lời sẽ được trở lại tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp.

Là người “chăm” chất vấn và được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghị trường, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng để chất vấn đến tận cùng thì "đại biểu phải giúp chủ tọa". Vì dù đã cố gắng chia thành các nhóm vấn đề  nhưng khi điều hành cũng không thể máy móc là đại biểu chỉ được hỏi về vấn đề đó. Nhưng nếu kiên quyết điều hành theo các  nhóm vấn đề đã định thì sẽ dễ đi đến cùng hơn.

Vẫn là vai trò của đại biểu, theo đại biểu Thuyết, vấn đề đại biểu chọn chất vấn nên là những vấn đề tương đối nổi bật trong xã hội mà người dân quan tâm, thể hiện quan điểm trong điều hành chính sách và thực thi pháp luật của đất nước. Có thể từ việc cụ thể và khái quát thành vấn đề chung, cũng có thể không đi vào các việc cụ thể nhưng phải là vấn đề nổi bật, đại biểu Thuyết nói.

Một kinh nghiệm được đại biểu Thuyết chia sẻ là khi ra  hội trường người chất vấn phải thực sự lắng nghe xem người trả lời đã trả lời đầy đủ chưa, giải đáp được vấn đề của mình chưa. Nếu chưa thì phải hỏi cho phù hợp với phần đã trả lời đó, chứ nếu không nghe kỹ, không phát hiện được vấn đề mới mà cứ hỏi theo cái mình đã chuẩn bị sẵn thì sẽ loãng.

Cũng theo nhận xét của ông thì đại biểu càng ngày càng có khả năng chọn lọc vấn đề và có kỹ năng chất vấn tốt hơn, nhất là các kỳ họp cuối nhiệm kỳ. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng để có thể đi đến cùng trong chất vấn như cử tri mong muốn.