15:22 26/12/2019

Đề phòng nguy cơ dị ứng khi dùng thực phẩm chức năng

Hoài Phương

Nhiều người biết rõ dược phẩm có thể gây dị ứng, nhưng lại không ngờ được sự thật là các loại thực phẩm chức năng (TPCN) cũng có nguy cơ gây dị ứng rất nặng.


Bất kỳ TPCN nào cũng đều chứa tá dược và chất bảo quản. Bản thân các dược thảo, chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm có trong TPCN không gây dị ứng nhưng các tá dược hay chất bảo quản có trong TPCN đều có nguy cơ gây dị ứng, thậm chí gây dị ứng rất nặng. Do đó, cũng giống như thuốc, TPCN cũng gây dị ứng và trong trường hợp này cũng có thể gọi là "dị ứng thuốc".PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, giám đốc Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, cho hay mô hình thuốc gây dị ứng đang có những thay đổi tương ứng với sự thay đổi nhu cầu dùng thuốc trong cộng đồng. Trước đây, dị ứng xảy ra chủ yếu ở nhóm thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Hơn một năm trở lại đây, dị ứng gặp nhiều ở bệnh nhân dùng thực phẩm chức năng. Đa số người bệnh nghĩ thực phẩm chức năng an toàn vì được chiết suất từ thảo mộc...
Đề phòng nguy cơ dị ứng khi dùng thực phẩm chức năng - Ảnh 1.
Khi sử dụng TPCN, thuốc được xem là "chất lạ". Phản ứng tự nhiên của cơ thể ta là chống lại chất lạ đó bằng những phản ứng gọi là phản ứng kháng nguyên - kháng thể. Kháng nguyên chính là "chất lạ" còn kháng thể là các chất do bạch cầu sinh ra có tên immunoglobulin (Ig) với nhiều loại IgM, IgG, IgA, IgE… sẽ gắn vào kháng nguyên để vô hiệu hóa. Đối với một số người gọi là nhạy cảm dễ bị dị ứng, phản ứng kháng nguyên - kháng thể xảy ra mãnh liệt đưa đến rối loạn gọi là dị ứng.Dị ứng TPCN không phụ thuộc vào liều lượng nên sẽ xảy ra dị ứng dù thuốc hay TPCN dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng thuốc rất ít, tức dưới liều chỉ định. Phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân gọi là người dễ dị ứng, hoặc người có "cơ địa dị ứng" (đã bị viêm mũi dị ứng hay hen suyễn… ). Cho nên, có thuốc nhiều người dùng chẳng việc gì nhưng dùng ở người khác thì bị dị ứng, thậm chí dị ứng rất nặng.Dị ứng thuốc hay dị ứng TPCN biểu hiện bằng nhiều dạng. Nặng nhất là sốc phản vệ biểu hiện bằng chứng xanh tím tái, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, trụy tim mạch, có thể gây chết người. Hoặc biểu hiện nhẹ hơn ở nhiều cơ quan khác nhau: trên da nổi mề đay, mẩn ngứa; trên hệ hô hấp khó thở, hen suyễn; trên hệ tiêu hóa đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; trên mắt bị viêm đỏ kết mạc...
Đề phòng nguy cơ dị ứng khi dùng thực phẩm chức năng - Ảnh 2.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, các loại thực phẩm chức năng thường được bào chế từ thảo mộc nên có thành phần khá phức tạp, khó xác định, gây ra nhiều phản ứng phụ khác nhau. Ngay cả tại các nước Anh, Mỹ, hằng năm cũng có cả nghìn trường hợp chịu tác dụng phụ không mong muốn do sử dụng sản phẩm bổ trợ này. Do đó, người bệnh không nên vội tin vào những quảng cáo quá đà của những loại thực phẩm chức năng chưa được kiểm chứng tác dụng thật sự.Để phòng tránh tình trạng dị ứng TPCN, chỉ dùng khi thật sự cần thiết và luôn cảnh giác rằng nguy cơ bị dị ứng có thể xảy ra. Khi đang dùng TPCN, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như: ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngưng ngay thuốc đó, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ cho hướng xử trí thích hợp.
Đề phòng nguy cơ dị ứng khi dùng thực phẩm chức năng - Ảnh 3.
Nguy cơ dị ứng thuốc tăng cao ở nhóm phụ nữ mang thai và thời kỳ cho con bú, các bệnh nhân mắc bệnh lý mãn tính, đang trong giai đoạn stress... Do đó, những đối tượng kể trên cần thận trọng khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc chưa sử dụng bao giờ. Khi có dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc: sốt, mệt mỏi khác thường, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, ngứa nổi mẩn trên da... cần đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng đáng tiếc.Khi đã bị dị ứng loại thuốc hay TPCN nào thì tuyệt đối không dùng loại sản phẩm đó. Khi đi khám ở bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua thuốc, bạn phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc và TPCN đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc bạn hiện đang dùng.