06:00 02/01/2013

Để UPCoM không còn “ngủ đông”

Hoàng Xuân

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2012, số cổ phiếu không có giao dịch trên sàn UPCoM vẫn chiếm đa số

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, sự khó khăn chung của thị trường chứng 
khoán cộng thêm sự èo uột trong giao dịch của riêng UPCoM khiến thị 
trường này rơi vào trạng thái “ngủ đông” triền miên.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, sự khó khăn chung của thị trường chứng khoán cộng thêm sự èo uột trong giao dịch của riêng UPCoM khiến thị trường này rơi vào trạng thái “ngủ đông” triền miên.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cơ quan điều hành và quản lý trực tiếp thị trường UPCoM (thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết) đang có những đề xuất quan trọng để thúc đẩy thị trường này trong năm 2013.

Trong bối cảnh thị trường tự do có sự bùng phát mạnh, tiềm ẩn những rủi ro hệ thống, nhiều lúc khó kiểm soát thời kỳ giai đoạn năm 2009, thị trường UPCoM đã được xây dựng với mục tiêu nhằm thu hẹp thị trường tự do, tăng cường thị trường có tổ chức và quản lý của Nhà nước.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, sự khó khăn chung của thị trường chứng khoán cộng thêm sự èo uột trong giao dịch của riêng UPCoM khiến thị trường này rơi vào trạng thái “ngủ đông” triền miên.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2012, số cổ phiếu không có giao dịch trên sàn UPCoM vẫn chiếm đa số. Trong số 132 cổ phiếu đang giao dịch tại UPCoM thì có tới 105 cổ phiếu không có giao dịch, chiếm tỷ lệ: 79,5%, 17 cổ phiếu có giá giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng) và chỉ có 10 cổ phiếu có giá giao dịch trên 10.000 đồng (chiếm 6,8%).

Với số lượng cổ phiếu giao dịch lèo tèo đó, trong năm 2012, khối lượng giao dịch bình quân của toàn thị trường UPCoM vẫn đạt 0,74 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng với giá trị giao dịch bình quân đạt 21 tỷ đồng/phiên.

Theo đánh giá của HNX, trong bối cảnh thị trường trong năm còn nhiều khó khăn, thách thức song nhìn chung, giao dịch trên thị trường UPCoM  năm 2012 vẫn được đảm bảo và có mức tăng khá về khối lượng, giá trị giao dịch so với năm 2011, riêng giá trị giao dịch bình quân trên sàn UPCoM tăng gấp 2,2 lần so với bình quân phiên năm 2011.

Phải thừa nhận rằng, sự hiện diện của thị trường UPCoM đã góp phần không nhỏ trong những thay đổi tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam. Những chợ OTC tự phát nay gần như xóa sổ, quy mô, mức độ hoạt động và tính chất phức tạp của thị trường tự do đã được kiểm soát tốt, sự ảnh hưởng của thị trường tự do lên các thị trường chính thức cũng vì thế đã giảm đi rõ rệt, trật tự kỷ cương và tính ổn định của thị trường được duy trì, từ đó tạo dựng được niềm tin trong công chúng đầu tư.

Chỉ có điều, với quy mô còn nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng, tính thanh khoản tuy được cải thiện song vẫn ở mức thấp, hoạt động của thị trường UPCoM đang bị hạn chế nhiều. Khi mà đại bộ phận doanh nghiệp nếu muốn tham gia thị trường giao dịch cổ phiếu tập trung, xu hướng niêm yết vẫn là sự lựa chọn chính và UPCoM vì thế chỉ là lựa chọn thứ yếu.

Đó là chưa kể, tư tưởng trì hoãn tham gia thị trường vẫn phổ biến trong các doanh nghiệp đại chúng do lợi dụng được một số quy định còn chưa rõ trong thực thi Luật Chứng khoán.

Bên cạnh đó, tín hiệu chưa thực sự mạnh mẽ, quyết liệt từ các cơ quan quản lý, khiến các công ty đại chúng vẫn đang hy vọng có phương án xây dựng thị trường thứ tư cho chuyển nhượng cổ phiếu của các công ty đại chúng, cũng là một trở ngại cho UPCoM trong hành trình thực hiện “giấc mộng” của mình.

Ngoài ra, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là do tình hình thị trường chứng khoán không thuận lợi, doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà với việc tham gia thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến công tác tạo hàng và tính thanh khoản của thị trường UPCoM; quy định của thị trường UPCoM chưa thực sự linh hoạt như biên độ giao dịch thấp, thị trường UPCoM chưa hấp dẫn với nhà đầu tư, dẫn đến tính thanh khoản thị trường còn thấp.

Trong năm 2013, với nhiệm vụ quan trọng trong phát triển đồng bộ 3 thị trường hiện có (niêm yết, UPCoM và trái phiếu), HNX sẽ tăng cường phát triển quy mô, nâng cao thanh khoản và đặc biệt là tăng cường minh bạch thông tin tại thị trường UPCoM-điểm vốn vẫn bị xem nhẹ tại thị trường này.

Theo đó, các giải pháp chủ yếu sẽ được triển khai như: nghiên cứu trình các cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng phương pháp đấu giá trực tiếp trong ngày giao dịch đầu tiên trên thị trường UPCoM để tạo động lực mới và tính thanh khoản cho thị trường UPCoM; kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý nhằm thực thi quy định của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán về việc đưa công ty đại chúng chưa niêm yết lên quản lý trên thị trường UPCoM, cho phép Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật để gắn công tác đấu giá doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM nhằm góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thực hiện được mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước; tăng cường thực thi Luật Chứng khoán về việc đưa công ty đại chúng chưa niêm yết lên quản lý trên thị trường UPCoM trong vòng 1 năm kể từ khi hoàn tất việc phát hành ra công chúng; bước đầu triển khai áp dụng công bố thông tin tự động qua CIMS cho các công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường UPCoM.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)