Đề xuất cơ chế lương, thưởng "đặc thù" cho Công ty mua bán nợ
Bộ Tài chính cho rằng, cần có cơ chế tiền lương phù hợp với đặc thù hoạt động của Công ty mua bán nợ Việt Nam
Bộ Tài chính đề xuất giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý phù hợp với đặc thù của Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo này là các quy định liên quan đến tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý của DATC (chương II, điều 31)
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất cơ chế tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý của DATC thực hiện theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước và phù hợp với tính chất đặc thù, nhiệm vụ hoạt động của công ty.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý phù hợp với đặc thù của DATC.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay cơ chế tiền lương của DATC thực hiện theo quy định chung đối với doanh nghiệp nhà nước (Nghị định số 51/2016/NĐ-CP và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP). Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, tiền lương và thu nhập của người lao động, người quản lý DATC diễn biến không ổn định.
"Gần đây nhất là năm 2017 và kế hoạch năm 2018, tiền lương của DATC giảm so với năm 2016 mặc dù chỉ tiêu doanh số mua nợ không giảm, và phụ thuộc vào các chỉ tiêu như năng suất lao động, tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước…", Bộ Tài chính cho biết.
Cũng theo đơn vị này, với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh rủi ro, mua và xử lý nợ xấu, các doanh nghiệp DATC tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu là các doanh nghiệp có tình hình tài chính khó khăn nên việc thu hồi nợ (là doanh thu của DATC) cũng phụ thuộc vào khả năng phục hồi hoạt động của doanh nghiệp tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng, hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu cũng là nguồn thu của DATC, phụ thuộc vào tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp và cũng không có tính ổn định.
"Do đó, diễn biến của các chỉ tiêu tính lương của DATC cũng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan, vì vậy việc nghiên cứu quy định cơ chế tiền lượng phù hợp với đặc thù hoạt động của DATC là cần thiết", Bộ Tài chính đề xuất.
Trước đó vào năm 2016, DATC từng gây xôn xao dư luận vì mức lương "khủng" trả cho nhân viên. Cụ thể năm 2016, doanh nghiệp này đã chi gần 67 tỷ đồng quỹ tiền lương và gần 17 tỷ đồng quỹ tiền thưởng cho 192 lao động. Thu nhập bình quân (tiền lương) của người lao động DATC cả năm đạt 29 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân năm 2015 là 28,1 triệu đồng/người/tháng.
Riêng với người quản lý của DATC, mức lương năm 2016 là 54,8 triệu đồng/người/tháng, tăng mạnh so với mức dự kiến trước đó là 40,8 triệu đồng/người/tháng.
Còn theo báo cáo mới nhất về quỹ tiền lương, thưởng năm 2017 được DATC công bố vào tháng 4/2018 thì mức lương bình quân của người lao động là 26,3 triệu đồng/người/tháng, người quản lý là 49,4 triệu đồng/người/tháng.