11:15 26/04/2018

Đề xuất doanh nghiệp tư nhân cũng được vay vốn ODA

KIỀU LINH

Doanh nghiệp tư nhân tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư có sử dụng vốn ODA

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vay Trung Quốc 250 triệu USD vốn bổ sung.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vay Trung Quốc 250 triệu USD vốn bổ sung.

Theo dự thảo Nghị định về quản lý sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng.

Doanh nghiệp tư nhân tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; cũng như vay lại vốn ODA qua hệ thống ngân hàng thương mại theo phương thức ngân hàng thương mại chịu rủi ro tín dụng; tham gia thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy trình 7 bước quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, gồm vận động vay vốn; xây dựng và lựa chọn đề xuất dự án; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn; quản lý thực hiện dự án và hoàn thành kết quả dự án.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1993 đến ngày 31/12/2017, cả nước có khoảng 2.591 chương trình, dự án vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi. Trong đó, các bộ, ngành có khoảng 1.279 dự án, chương trình; các địa phương có khoảng 1197 dự án, còn lại là của các ngân hàng, Đài truyền hình Việt Nam…

Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu với khoảng 288 dự án, tại Bộ Công Thương có 152 dự án, chương trình vay vốn ODA. Các bộ còn lại như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 272 dự án và chương trình; Bộ Y tế có 132 dự án và chương trình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 51 dự án, chương trình…

Việt Nam bắt đầu vay vốn viện trợ từ các định chế tài chính đa phương và song phương từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nước Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch, Canada... từ năm 1993.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2017 Ngân hàng Thế giới tuyên bố chấm dứt ODA ưu đãi cho Việt Nam, thay vào đó các khoản vay sau này là các khoản vay ưu đãi với mức lãi suất cao hơn.