06:00 14/12/2021

Điện không thể thiếu để vực dậy kinh tế sau dịch

Mạnh Đức

Căn cứ dự báo phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng và sẵn sàng cho các kế hoạch tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện. Theo đó, với kịch bản cơ sở, tăng trưởng dự báo khoảng 8,2%, tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh. Với kịch bản cao, dự báo tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 286,1 tỷ kWh...

Đảm bảo cung ứng đủ điện cho phục hồi nền kinh tế.
Đảm bảo cung ứng đủ điện cho phục hồi nền kinh tế.

Nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo sẽ tăng cao khi nền kinh tế dần hồi phục sau đại dịch Covid, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được đẩy mạnh để bù đắp những thiếu hụt do tác động của đại dịch gây ra. Để không lâm vào tình trạng thiếu hụt điện như các nước trên thế giới gặp phải thời gian gần đây, ngoài các giải pháp về đáp ứng nguồn cung, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong tiết kiệm năng lượng.

MIỀN BẮC CÓ NGUY CƠ THIẾU ĐIỆN

Số liệu thống kê từ EVN cho thấy, trong quý 3/2021, do ảnh hưởng các đợt giãn cách xã hội kéo dài vì Covid-19, nhu cầu phụ tải điện toàn quốc tăng trưởng thấp. Tổng sản lượng điện toàn hệ thống trong 10 tháng năm 2021 đạt 213 tỷ kWh, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn 5,7 tỷ kWh kế hoạch năm.

Tuy nhiên, sang năm 2022, khi chiến lược phòng dịch chuyển sang thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ ở mức cao.

Điện không thể thiếu để vực dậy kinh tế sau dịch - Ảnh 1

Theo tính toán của EVN, năm 2022 hệ thống điện quốc gia cơ bản có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Quá trình tích nước tại các hồ thủy điện có thể lên mức cao nhất vào cuối năm 2021, nhất là các hồ ở miền Bắc và điều tiết giữ ở mức cao đến cuối mùa khô để đảm bảo cấp điện năm 2022.

Tuy nhiên, cục bộ tại miền Bắc có thể tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất trong các ngày nắng nóng cực đoan, với nền nhiệt độ trên 360C kéo dài ở các tháng 5, 6, 7. Cụ thể, công suất đỉnh phụ tải tại miền Bắc trong năm 2022 có thể đạt 23.927 - 24.791 MW, tăng 2.076 - 2.870 MW so với năm 2020. Như vậy, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500 - 2.400 MW trong một số giờ cao điểm, thời tiết cực đoan.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN nhận định, mối lo miền Bắc thiếu điện trong mùa khô năm 2022 hiện hữu khi thuỷ điện cung ứng trên 45% điện cho khu vực này. Trong khi đó, các nhà máy thuỷ điện đang gặp thách thức khi mực nước về các hồ thuỷ điện thiếu hụt so với các năm.

Tính đến tháng 10/2021, khu vực các hồ Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình, thiếu hụt khoảng 41% so với trung bình nhiều năm. Thực tế, tổng sản lượng thủy điện trong 10 tháng năm 2021 theo nước về đạt 62,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Ước tính đến cuối tháng 12/2021, tổng lượng nước tích tại các hồ thuỷ điện tương đương với 14,3 tỷ kWh điện, giảm 738 triệu kWh. Riêng sản lượng tích nước tại miền Bắc hơn 7,46 tỷ kWh, thiếu hụt 465 triệu kWh.

Điện không thể thiếu để vực dậy kinh tế sau dịch - Ảnh 2

Để đảm bảo điện cho tăng trưởng phụ tải được dự báo, EVN đã xây dựng giải pháp tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất vào cuối năm, nhất là các hồ khu vực miền Bắc, điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô năm 2022 để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện. Đồng thời, huy động tối ưu các nguồn phát điện tại miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải từ miền Trung ra.

Bên cạnh đó, EVN phối hợp với các nhà máy thủy điện nhỏ để điều chỉnh khung giờ cao điểm vào các giờ phù hợp với nhu cầu phụ tải, giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm ở miền Bắc. Ngoài ra, bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 năm 2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.

Một số giải pháp bổ sung nguồn cung ứng cũng đang được EVN triển khai trong trường hợp cần thiết như tăng cường nhập khẩu điện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đường dây truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc để tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống. Tăng tốc, hoàn thành và đấu nối trước mùa lũ năm 2022 các nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

TIẾT KIỆM VẪN LÀ GIẢI PHÁP CĂN CƠ, TỐI ƯU

Trong giai đoạn 2010-2015, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân tại Việt Nam là 10,9% và giai đoạn 2016-2019 là 10,1%. Tuy nhiên, hai năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng điện chỉ khoảng hơn 3%, thấp hơn nhiều so với các năm kinh tế phát triển bình thường. Năm 2022, tùy theo diễn biến phục hồi, nhu cầu tiêu thụ điện có thể sẽ tăng mạnh.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), điều này đặt ra cho chúng ta phải có sự chuẩn bị, có kế hoạch cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sau đại dịch. EVN dự báo nhu cầu điện tăng trưởng từ 8,2 - 12,4% là phù hợp, kịp thời.

Cùng với những giải pháp về đảm bảo nguồn điện, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hiện nay, xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng, cường độ năng lượng, Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP, cao hơn Thái Lan khoảng 30%, hơn Malaysia khoảng 60%... Điều này cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.

“Vấn đề này đã được Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều quyết định, chỉ đạo về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả... Tuy nhiên, thời gian tới cần phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế... Đặc biệt, lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đồng thời, không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam”, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò quan trọng của việc nâng cao các giải pháp tiết kiệm điện, ông Võ Quang Lâm cho biết hệ số đàn hồi điện năm 2019 của Việt Nam đạt 1,29 nhưng vẫn ở mức cao hơn so với các nước phát triển. Việt Nam có gần 3.000 cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm, tức là chưa tới 1% doanh nghiệp, nhưng tiêu thụ tới hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng.

Tương tự, với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc, nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm hai nhóm này có khả năng tiết kiệm tối thiểu 3.874 tỷ đồng.

Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết thêm, trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương đang có kế hoạch phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện một số thí điểm về quỹ dành cho tiết kiệm năng lượng nhằm giải quyết điểm nghẽn về tài chính trong lĩnh vực này.

Đây là một sáng kiến mới mà Bộ đang tích cực triển khai nhằm thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm nói riêng và khối doanh nghiệp nói chung. Từ đó đóng góp hiệu quả vào các mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững của đất nước.