Đô thị năng lượng thông minh - Xu hướng của tương lai
Tập đoàn T&T Group sẽ xây dựng thành phố công nghệ cao năng lượng di động châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam
"Việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ có khả năng tạo ra giải pháp đột phá trong việc giải quyết bài toán đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam như hiện nay".
Nhận định trên được một chuyên gia người Nhật Bản đưa ra tại Hội thảo "Dự án thành phố công nghệ cao năng lượng di động châu Á - Thái Bình Dương (APMEC)" do Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Hanergy tổ chức ngày 29/10, tại Hà Nội.
Tại hội thảo,với sự tham dự của nhiều CEO và chuyên gia của các tập đoàn lớn trên thế giới đến từ các nước Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia… các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng năng lượng sạch và đưa ra những nhận định, xu hướng xây dựng các thành phố thông minh trên thế giới, qua đó làm rõ vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đầu tư phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đã nhất trí quan điểm rằng hiện trên thế giới có rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo, nhưng cho tới nay, năng lượng mặt trời được xác định là nguồn năng lượng chủ lực trong tương lai.
Tuy nhiên, trong những năm qua, cùng với sự thay đổi rất nhanh về công nghệ, công nghệ pin mặt trời truyền thống sẽ dần được thay thế bằng công nghệ pin mặt trời màng mỏng, do giá thành rẻ hơn, hiệu suất cao trong điều kiện thiếu sáng, lắp đặt dễ dàng và phong phú về chủng loại, màu sắc.
Về chủ trương phát triển các thành phố, đô thị công nghệ cao thông minh, bền vững của Chính phủ Việt Nam; các chuyên gia đánh giá cao đề án này và cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, nhanh nhạy và "hợp thời", đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới như hiện nay, và Việt Nam chắc chắn không phải ngoại lệ.
"Việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ có khả năng tạo ra giải pháp đột phá trong việc giải quyết bài toán đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam như hiện nay. Kéo theo đó sẽ là quản lý tốt công tác quy hoạch, cung cấp hiệu quả nhất các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho đô thị, giảm thiểu tác động bất lợi tới môi trường và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại chính nơi mình sinh sống", một chuyên gia đến từ Nhật nhận định.
Tại Việt Nam, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời. Đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Cũng tại hội thảo, Tập đoàn T&T Group đã giới thiệu dự án thành phố công nghệ cao năng lượng di động châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam. Dự án có quy mô 1.000 ha, được chia thành 3 giai đoạn. Dự kiến, Tập đoàn T&T Group sẽ phối hợp cùng Tập đoàn Hanergy để triển khai dự án này.
Trước đó, ngày 19/7/2018, Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Hanergy đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.
Theo đánh giá của Tạp chí công nghệ MIT Tech Review, Hanergy đứng ở vị trí 23 trong "50 Doanh nghiệp thông minh nhất thế giới" năm 2017.