Doanh nghiệp cảm nhận về môi trường kinh doanh thế nào?
Một số lĩnh vực ghi nhận mức độ cải cách đáng kể được doanh nghiệp đón nhận như tiếp cận điện năng, khởi sự kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, điện tử hoá thủ tục thuế
Thực hiện nghị quyết 19 và nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - góc nhìn từ doanh nghiệp là báo cáo được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tại hội thảo sáng 20/11.
Ngay lời nói đầu, các tác giả báo cáo nhìn nhận, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có những nỗ lực quan trọng trong việc cải cách môi trường kinh doanh, đặt mục tiêu đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm bốn quốc gia hàng đầu khu vực ASEAN.
Nghị quyết 19 của Chính phủ được ban hành hàng năm từ năm 2014 đến nay và Nghị quyết 35 của Chính phủ năm 2016 là hai nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện mục tiêu quan trọng trên.
Báo cáo cung cấp một góc nhìn từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về các kết quả đạt được của các bộ ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết 19 và 35.
Sự hài lòng là thước đo cuối cùng
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói, gần 5 năm kể từ khi nghị quyết 19 đầu tiên được ban hành, và hơn 2 năm kể từ nghị quyết 35 được ban hành việc thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng. Môi trường kinh doanh đã có những chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, giữa các bộ ngành và địa phương có mức độ thực hiện chưa đồng đều. Nhiều bộ, ngành rất tiên phong, quyết liệt trong cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành nhưng một số bộ ngành ít chuyển biến, còn thực hiện đối phó. Bộ ngành nào người đứng đầu thực hiện quyết liệt, tích cực thì việc cắt giảm diễn ra mạnh mẽ.
Chính vì như vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng rất cần có những đánh giá độc lập, giám sát việc thực hiện quá trình cắt giảm này. Tránh tình trạng chạy theo con số trên báo cáo, lạc quan về các thành tích luôn được nhấn mạnh mà người dân và doanh nghiệp không được hưởng lợi.
Suy cho cùng thước đo quan trọng nhất là sự hài lòng của doanh nghiệp. Bởi chính hiệu ứng thực tiễn, tác động thực tiễn mới là tiêu chuẩn cuối cùng và quan trọng nhất để đánh giá chương trình cải cách hay lĩnh vực cải cách có thực sự thành công hay không, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Hơn ai hết, chính các doanh nghiệp là người cảm nhận rõ nhất sự thay đổi của môi trường kinh doanh Việt Nam trong các năm qua. Họ hiểu rõ nhất việc làm thủ tục hành chính có thuận lợi hơn không? Có bị thanh kiểm tra trùng lặp không? Có bị nhũng nhiễu, tiêu cực không? có thường xuyên mất điện không? Có tranh chấp thì khởi kiện ở toà án có hiệu quả không?... ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Có bước tiến nhưng thiếu đồng đều
Cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho các bộ trong Nghị quyết 19. Theo báo cáo thì việc thực hiện nhiệm vụ này ở các bộ có nhiều bước tiến đáng ghi nhận nhưng thiếu đồng đều.
Tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành thuộc các lĩnh vực Công Thương, Xây dựng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục, Giao thông vận tải, Nông nghiệp...
Mặc dù hầu hết các bộ đều thực hiện nhiệm vụ này và đều có những con số về tỷ lệ cắt giảm, nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh (bãi bỏ những điều kiện bất hợp lý, không minh bạch, không khả thi) thì không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ, các tác giả báo cáo nhận định.
Từ góc độ của các doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra PCI 2017, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.
Lưu ý là số liệu điều tra nói trên chỉ dừng ở mức độ phản ánh hiện trạng thực hiện các thủ tục hành chính về giấy phép kinh doanh có điều kiện trước thềm những nỗ lực cải cách của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, các tác giả báo cáo cho rằng cần có những khảo sát, nghiên cứu tiếp tục về vấn đề này.
Nhận xét chung về kết quả, báo cáo cho biết một số lĩnh vực ghi nhận mức độ cải cách đáng kể được doanh nghiệp đón nhận như tiếp cận điện năng, khởi sự kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, điện tử hoá thủ tục thuế… Các lĩnh vực khác đa phần đều có những cải cách nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nhiều nỗ lực hơn nữa từ các bộ ngành và địa phương. Rất nhiều các biện pháp cải cách được các bộ ngành, chính quyền địa phương đưa ra, nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để có tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp. Khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng vẫn còn tương đối xa, báo cáo nêu rõ.