Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh
Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như lạm phát leo thang làm giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu tăng giá, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu suy giảm… các doanh nghiệp vẫn tin tưởng về sự phục hồi trong sản xuất và kinh doanh những tháng tới...
“Sau giai đoạn du lịch hè “bùng nổ”, lượng khách du lịch tháng 9 giảm xuống nhưng vẫn tốt hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là các tour đi du lịch nước ngoài như Hàn Quốc, châu Âu… trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 tăng trở lại sau giai đoạn “ngủ đông” vì Covid-19”, đại diện Công ty TNHH thương mại và du lịch Trending Travel cho biết.
Sự phục hồi mà Trending Travel nhắc tới được ghi nhận rõ nét trong báo cáo mới được công bố của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch.
DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI TRỞ LẠI
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tổng số khách du lịch nội địa trong tháng 9/2022 ước đạt 7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,6 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 9 tháng năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 86,8 triệu lượt, cao hơn năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19 là 85 triệu lượt).
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đạt 1,87 triệu lượt khách, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.
Điều này cho thấy thị trường du lịch nội địa cũng như quốc tế đã phục hồi trở lại nhờ chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3 và hàng loạt các sự kiện phát động lại thị trường của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương và doanh nghiệp…
Không chỉ du lịch, mà các doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng có sự phục hồi ấn tượng. Điển hình như Công ty cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang (BGG) đã nộp hơn 16 tỷ đồng tiền thuế trong 8 tháng qua, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ sản xuất ổn định trở lại sau giai đoạn gián đoạn vì dịch Covid-19 bùng phát.
“Đây là kết quả của những nỗ lực của doanh nghiệp và những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong việc ổn định giá cả, đảm bảo nguồn cung nguyên phụ liệu. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm tăng hơn 10% so với cùng kỳ và tiếp tục có được đơn đặt hàng cho năm sau”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc BGG cho biết.
Vì vậy, 9 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp xây dựng, thương mại và dịch vụ có sự tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, sản xuất công nghiệp dần phục hồi và gần lấy lại đà tăng trưởng của những năm trước đại dịch với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 9,6%, bằng mức tăng IIP của 9 tháng năm 2019.
Đặc biệt, khu vực thương mại có sự tăng trưởng ấn tượng do các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã bị suy giảm nghiêm trọng trong cùng kỳ năm trước do đại dịch đang dần hồi phục mạnh mẽ và sôi động trở lại. Nhiều ngành dịch vụ trọng điểm đạt tốc độ tăng 2 con số. Nhờ đó, kết quả chung tăng trưởng khu vực dịch vụ quý 3/2022 tăng 18,9% và 9 tháng tăng 10,6%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm.
Cùng với sự tăng trưởng ấn tượng của các ngành, lĩnh vực trong 9 tháng, đặc biệt là quý 3/2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cũng đạt mức cao nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm từ trước đến nay với 163.300 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021.
DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ MỚI TIẾP TỤC LẬP ĐỈNH
Trong đó, nếu tính riêng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 112.791 doanh nghiệp, thì đây cũng là mức cao nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (112.698 doanh nghiệp).
“Nguyên nhân chính khiến số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh trong tháng 9 và quý 3/2022 so với cùng kỳ năm ngoái là do tháng 9 và quý 3/2021 là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được thực hiện mạnh mẽ tại các tỉnh, thành phố, trung tâm kinh tế lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.
Đáng chú ý, tháng 9/2022 ghi nhận tỷ lệ tăng cao số doanh nghiệp đã giải thể so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 150,2%) và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 66,9%).
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đối chiếu với số liệu của 8 tháng đầu năm 2022, thì trung bình một tháng trong giai đoạn này có khoảng 4.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể và khoảng 1.500 doanh nghiệp đã giải thể.
Như vậy, các con số về doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (4.187 doanh nghiệp) và đã giải thể (1.516 doanh nghiệp) của tháng 9/2022 phù hợp với bức tranh chung của 8 tháng đầu năm 2022, không có biến động bất thường.
“Do vậy, có thể nhận định, tỷ lệ tăng cao số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong tháng 9/2022 so với cùng kỳ 2021 là do số liệu kỳ so sánh chưa phản ánh đúng thực tế bức tranh doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước khi tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khẳng định.
DOANH NGHIỆP NGOÀI NHÀ NƯỚC LẠC QUAN NHẤT VỀ KINH DOANH QUÝ 4
Cùng với việc gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng, các doanh nghiệp cũng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 4/2022 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 3/2022…
Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý 2/2022; 36,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Trong quý 4/2022, các doanh nghiệp dự kiến tình hình kinh doanh còn tốt hơn so với quý 3/2022 khi có tới 48,7% doanh nghiệp đánh giá tích cực, 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 3/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 80,9% và 79,1%.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sở dĩ các doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh trong quý 4/2022 tốt lên là do đà phục hồi của nền kinh tế ngày một rõ nét với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến – chế tạo và dịch vụ.
“Đặc biệt, với sự tăng trưởng ấn tượng của hầu hết các ngành dịch vụ, tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ 9 tháng đạt 10,6% và là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây”, ông Hiếu nhận định.
Tuy triển vọng sản xuất và kinh doanh những tháng cuối năm được đánh giá tích cực song theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Có tới 48,1% doanh nghiệp lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu của thị trường trong nước; 30,8% doanh nghiệp khó khăn về tài chính; 26,7% doanh nghiệp suy giảm nhu cầu từ thị trường quốc tế; 26,1% doanh nghiệp thiếu nguyên nhiên, vật liệu; 25,1% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu và 23,5% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao…
“Điều này đòi hỏi các cơ quan bộ ngành và địa phương phải có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và từng bước phục hồi, phát triển hiệu quả”, ông Hiếu khuyến nghị.