09:05 22/12/2009

Doanh nghiệp quân đội luôn vững vàng

Hoàng Thục

Các doanh nghiệp quân đội vẫn vững vàng bám trụ trên các địa bàn chiến lược, cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội

Ngân hàng Thương mại Quân đội luôn có tốc độ tăng trưởng cao và phát triển bền vững.
Ngân hàng Thương mại Quân đội luôn có tốc độ tăng trưởng cao và phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp quân đội vẫn vững vàng bám trụ trên các địa bàn chiến lược, sản xuất và cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội.

Đại tá Phạm Viết Thích, Phó cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thưa  ông, lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là  một trong những nhiệm vụ chiến lược của quân  đội ta. Ông có thể đánh giá tổng quát nhiệm vụ này từ khi có Nghị quyết 71 (ngày 25/4/2002) về  nhiệm vụ sản xuất xây dựng kinh tế của quân đội trong thời kỳ mới?

Hoạt  động sản xuất xây dựng kinh tế của quân đội giai đoạn 2002 - 2007 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế  nước ta phải nỗ lực rất lớn trong sự cạnh tranh ngày một gay gắt với yêu cầu không ngừng cao hơn về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung trong những năm qua, hoạt động sản xuất xây dựng kinh tế quân đội đã có những bước tiến đáng kể và đạt được một số thành quả nhất định. Bắt nhịp được với tốc độ tăng trưởng và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhịp độ phát triển ngành kinh tế quân đội tương đối ổn định, tốc độ phát triển tuy chưa cao nhưng vững chắc.

Các doanh nghiệp quân đội vẫn vững vàng bám trụ trên các địa bàn chiến lược, sản xuất và cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội. Các chỉ tiêu tổng hợp của các doanh nghiệp như doanh thu, lợi nhuận, giá trị tăng thêm, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động, giá trị xuất khẩu không ngừng tăng qua các năm.

Cụ thể, về hoạt động kinh tế biển của quân đội, thưa ông?

Quân  đội đã tham gia phát triển một số loại hình kinh tế biển, gồm: khai thác, chế biến, nuôi trồng, xuất khẩu thủy - hải sản như khai thác hải sản xa bờ, đầu tư xây dựng các đội tàu công ích làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân. Chế biến các loại hải sản đông lạnh và chế biến hải sản khác phục vụ nhu cầu xuất khẩu; tham gia xây dựng và phát triển ngành đóng tàu biển (sửa chữa, đóng mới tàu quân sự và tàu dân sự, các loại tàu biển chuyên dụng); dịch vụ biển (bảo vệ thăm dò khai thác dầu khí trên biển); dịch vụ bay dầu khí biển; dịch vụ cảng biển; trồng rừng trên đảo.

Các nhà máy của quân đội đã chú trọng đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, đang tiếp tục được tổ chức sắp xếp theo hướng tập trung và chuyên môn hoá. Khai thác, chế biến, nuôi trồng hải sản - một trong những lĩnh vực hoạt động kinh tế biển mà quân đội tham gia có bề dày thời gian dài nhất, vừa góp phần tham gia phát triển kinh tế vùng lãnh thổ vừa kết hợp tốt với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng biển.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã và đang triển khai mạnh ngành nuôi trồng thủy, hải sản tại các vùng nước lợ, vùng vịnh ven biển, bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước từ các chương trình 773, 224, 227, chương trình biển Đông và các hải đảo và vốn tự huy động của doanh nghiệp.

Lĩnh vực xây dựng cũng là một hoạt động lớn của các doanh nghiệp trong quân đội?

Hiện quân  đội có trên 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Để thích ứng được với cơ chế thị  trường, các doanh nghiệp xây dựng quân đội đã đầu tư  đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ tổ chức, quản lý thi công, sản lượng hàng năm tăng trên dưới 10%. Nhiều đơn vị đang tham gia thi công những công trình trọng điểm của đất nước như: Thuỷ điện Sơn La, Buôn Kuốp, Sê Rê Pốc, Bản Vẽ, A Vương....; tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.

Những đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp đạt được những thành quả lớn, góp phần quan trọng ổn định tình hình quốc phòng - an ninh, tham gia xóa đói giảm nghèo, tạo ra một lượng sản phẩm lớn cho xã hội. Năm 2007, doanh thu từ sản xuất nông nghiệp của riêng hai binh đoàn đạt 835.348 triệu đồng.

Còn hoạt động kinh tế ở một số lĩnh vực khác như ngân hàng, viễn thông...?

Ngân hàng Thương mại Quân đội luôn có tốc độ tăng trưởng cao và phát triển bền vững, hoạt động kinh doanh đúng pháp luật; kể từ ngày thành lập, thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước xếp loại A. Với 7 năm liên tục phát triển nhanh, 3 năm liên tục tăng trưởng năm sau gấp đôi năm trước, chiếm 25% thị phần toàn ngành viễn thông, Viettel đã trở thành một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng công ty Đông Bắc, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khoáng sản, trong đó sản xuất kinh doanh than luôn chiếm tỉ trọng lớn, hàng năm tăng trưởng ổn định. Năm 2007, sản lượng than khai thác đạt trên 4 triệu tấn, chiếm gần 1/10 sản lượng toàn ngành than, nộp ngân sách nhà nước gần 70 tỷ đồng.

Đội máy bay của Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam được đánh giá là mạnh so với khu vực. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Tổng công ty tăng đều qua các năm. Với những lợi thế về ngành nghề, vị trí địa kinh tế cũng  như cơ sở vật chất cùng với sự nhạy bén trong kinh doanh, những năm qua Công ty Tân cảng đã không ngừng phát triển.

Việc xây dựng các Khu kinh tế Quốc phòng, các dự án lấn biển và điểm dân cư mới đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2003 đến năm 2007 phát triển được 8 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng mức đầu tư 72.115.844 USD. Trong đó có 11 dự án khai thác khoáng sản; 4 dự án đầu tư về trồng trọt, chăn nuôi; 3 dự án đầu tư viễn thông.

Công tác quản lý dự án được làm tốt, không có biểu hiện vi phạm pháp luật. Đa số các dự án đang tổ chức sản xuất kinh doanh có lãi (khoảng 86%). Quân đội tham gia Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia từ năm 2001. Bộ Quốc phòng đã quan tâm đúng mức việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp quân đội và tuyên truyền về ngành kinh tế quân đội thông qua việc chỉ đạo tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai mang tính tổ chức.