07:00 07/07/2023

Doanh nghiệp thủy sản phía Nam “Bắc tiến”

Chương Phượng

Khi thị trường nuôi tôm nước mặn và nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu đang dần trở nên bão hòa, các doanh nghiệp ngành thủy sản đang có xu thế đầu tư “Bắc tiến”. Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản miền Bắc và miền Trung còn nhiều dư địa, nhưng vẫn còn gặp phải những hạn chế về công nghệ, tiếp cận thông tin thị trường…

Một gian hàng tại FISTECH 2023.
Một gian hàng tại FISTECH 2023.

Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành Thủy sản Việt Nam (FISHTECH 2023) diễn ra từ ngày 5 - 7/7/2023 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Đây là lần đầu tiên FISHTECH được diễn ra tại miền Bắc, do Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông và Dịch vụ Nông nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức.

HẤP THỤ NHỮNG CÔNG NGHỆ MỚI VÀO NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

FISTECH 2023 thu hút sự tham gia gần 50 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực liên quan tới ngành nuôi trồng thủy sản tiêu biểu như: Tập đoàn Thăng Long, Hội đồng Đậu nành Hoa Kỳ, STP Group, Công ty De Heus, Công ty Thuốc Thú y Á Châu, Công ty TNHH Dược Ecovet, Công ty Thuốc Thú y Thịnh Á, Công ty VMC, Công ty Tiệp Phát, Công ty Bồ Đề, Công ty Tiệp Phát, Công ty Miền Đông…

Với chủ đề “Tiềm năng – Công nghệ – Hiệu quả – Bền vững”, FISTECH 2023 cũng diễn ra những phiên hội thảo chia sẻ thông tin, cập nhật kiến thức và những công nghệ mới nhất của ngành nuôi trồng thủy sản trong nước cũng như quốc tế.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021, với nhiệm vụ phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn về sản lượng và giá trị, trở thành động lực chuyển đổi cơ cấu ngành thủy sản phát triển lên tầm cao mới trong giai đoạn đến năm 2045.

Cắt băng khai mạc FISTECH 2023  tại tỉnh Quảng Ninh.
Cắt băng khai mạc FISTECH 2023  tại tỉnh Quảng Ninh.

Thực thi Đề án, vượt lên những thách thức nhiều mặt, năm 2022 đã ghi nhận những chuyển động tích cực tại một số địa phương, trong đó điển hình là Quảng Ninh và Hải Phòng.

 

"Đổi mới sáng tạo bao giờ cũng sẽ là động lực cơ bản trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện chất lượng tăng trưởng của ngành thủy sản nói chung, nuôi biển nói riêng”.

TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.

“Triển lãm FISTECH 2023 được nhằm tăng cường hoạt động giao lưu, phổ biến, tiếp thu, hấp thụ công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng bền vững kinh tế biển Việt Nam",  ông Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Nông nghiệp số nhận định, hiện nay, ngành Thủy sản Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức về dịch bệnh, chất lượng con giống, công nghệ thu hoạch, bảo quản,… Cách duy nhất để giải quyết vấn đề trên là áp dụng công nghệ trong sản xuất ở tất cả các khâu trong sản xuất.

Xuất phát từ thực tế trên, FISTECH 2023 được tổ chức nhằm mang đến cho người nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh miền Bắc và những vùng lân cận được tiếp cận với những sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản. Các doanh nghiệp có thêm cơ hội mở rộng và tiếp cận với thị trường mới đầy tiềm năng và cơ hội phát triển.

ĐƯA MIỀN BẮC “SÁNH VAI” VỚI MIỀN NAM

Từ trước tới nay, khi nói tới nuôi trồng thủy sản, người ta thường nghĩ ngay đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung Bộ. Điển hình như nuôi tôm tại các tỉnh ven biển Nam Bộ, nuôi cá tra tại An Giang, Đồng Tháp; nuôi hải sản tại Khánh Hòa…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Minh cho hay tại các tỉnh miền Bắc và Bắc miền Trung, nuôi thủy sản cũng đang từng bước trở thành ngành sản xuất hàng hoá chủ lực, phát triển rộng khắp theo hướng đầu tư vào các loại thủy sản có giá trị cao, có khả năng xuất khẩu, mang lại hiệu quả cao. Trong tương lai, miền Bắc và Bắc miền Trung cũng sẽ sánh vai được với miền Nam trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản.

Tại Hà Nội, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản ước tính 24.000 ha, tổng sản lượng thủy sản năm 2022 đạt 123.108 tấn. Năm 2022, sản lượng thuỷ sản của Bắc Ninh đạt hơn 40.500 tấn, hình thành 162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung, 22 vùng nuôi cá lồng trên sông, 153 cơ sở nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn tỉnh hình thành 162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung quy mô từ 10 ha trở lên với tổng diện tích là 2.757,6 ha; 20 vùng nuôi cá lồng trên sông; hình thành 9 mô hình nuôi cá sông trong ao, nhiều mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh, mô hình nuôi cá siêu thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, các tỉnh miền núi phía Bắc còn có hàng trăm nghìn ha diện tích mặt nước hồ chứa, hồ thủy điện, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa. Hòa Bình hiện đang là tỉnh nuôi cá lồng bè trên hồ chứa lớn nhất cả nước với 4.750 lồng, sản lượng đạt 5.594 tấn. Năm 2022, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định trên 2.700 ha, với 4.890 lồng cá nuôi, sản lượng 12.170 tấn.

Cùng với đó, người nuôi trồng thủy sản phía Bắc cũng tăng cường ứng dụng công nghệ cao, nhằm rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi. Không khó để nhìn thấy những ao được đầu tư tôm lót bạt, ao bể nổi, bể xi măng và hệ thống mái che.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh hiện đang là tỉnh đang dẫn đầu về sản lượng nuôi trồng thủy sản mặn, lợ tại miền Bắc với tổng diện tích đạt 32.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ chiếm 8.865 ha, nhuyễn thể khoảng 9.500 ha, cá biển khoảng 2.200 ha. Nhiều diện tích nuôi này đều được các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao, như: Công nghệ nuôi tôm ba giai đoạn; công nghệ biofloc; nuôi ít thay nước; nuôi tuần hoàn nước; ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh, hóa chất phục vụ nuôi thủy sản…

Theo ông Nguyễn Quốc Minh, khi thị trường nuôi tôm nước mặn và nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu đang dần trở nên bão hòa, các doanh nghiệp ngành thủy sản đang có xu thế đầu tư “Bắc tiến”, bởi khu khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung ít sự cạnh tranh và người nuôi đang khao khát tìm kiếm các sản phẩm chất lượng, thương hiệu.

Hiện nay Thanh Hóa, với 4.230 ha diện tích nuôi tôm nước lợ, sản lượng ước đạt 8.205 tấn. Trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 5.900 tấn, diện tích nuôi đạt 630 ha; tôm sú và tôm càng xanh đạt 2.305 tấn trên tổng diện tích nuôi 3.600 ha. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm sú, tôm càng xanh với tổng diện tích nuôi đạt 2.514 ha, sản lượng đạt 1.144 tấn.

“Có thể thấy, tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản miền Bắc và miền Trung còn nhiều dư địa, tuy nhiên vẫn còn đang gặp phải những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ nuôi trồng. Để giải quyết được vấn đề này, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản nuôi tại miền Bắc và miền Trung cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền cũng như sự đồng hành từ các doanh nghiệp”, ông Minh đề xuất.