Doanh nghiệp Trung Quốc tin Tổng thống Trump tốt cho kinh doanh
“Ông ấy điều hành đất nước giống như đang kinh doanh, và đây là một việc tốt”
Từng nghe về chủ trương "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump và những cảnh báo của ông về việc phải giảm thâm hụt thương mại Mỹ, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng đó không phải là lời đe dọa chiến tranh thương mại, mà là cách nói của một nhà thương thuyết sẽ có lợi cho kinh doanh.
Hãng tin Bloomberg đã phỏng vấn hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp ở Thượng Hải, Quảng Châu và một số thành phố lớn khác của Trung Quốc trong tuần qua. Phát biểu của các doanh nhân đều cho thấy sự tin tưởng vào mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và sự tin tưởng này có được là nhờ ông Trump.
"Ông ấy điều hành đất nước giống như đang kinh doanh, và đây là một việc tốt", ông Hu Huazhi, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Ehang Inc., một công ty sản xuất thiết bị bay không người lái ở miền Nam Trung Quốc, phát biểu. "Nếu nước Mỹ làm tốt, thì họ sẽ thúc đẩy các quốc gia khác phát triển theo".
Phía sau sự lạc quan này là niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc rằng một cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây ra những tổn thất rất to lớn cho cả hai nước.
Tuy liên tục chỉ trích Trung Quốc trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã giảm bớt sự chỉ trích và gác lại những lời đe dọa về "dán nhãn" Trung Quốc là một quốc gia thao túng tỷ giá và mạnh tay đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Cho dù một số người nói rằng ông ấy là một người chống toàn cầu hóa, ông ấy thực ra là một người thực tế trong vấn đề bảo vệ lợi ích của đất nước mình", Ông Feng Xingya, Chủ tịch hãng sản xuất ôtô Guangzhou Automobile Group, nhận định. Ông Feng nhấn mạnh các nhà sản xuất ôtô Mỹ hiện đang bán được nhiều ở Trung Quốc hơn là các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc bán được ở Mỹ. "Bởi vậy, việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ đem lại lợi ích lớn cho Mỹ".
Nếu xảy ra chiến tranh thương mại, các doanh nghiệp mà Bloomberg phỏng vấn lãnh đạo sẽ phải hứng chịu thiệt hại lớn. Chẳng hạn, Ehang vào năm ngoái đã ký một thỏa thuận với Lung Biotechnology, một công ty có trụ sở ở bang Maryland của Mỹ về phát triển thiết bị bay không người lái nhằm vận chuyển thiết bị y tế.
Năm ngoái, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đạt mức kỷ lục 46 tỷ USD. Năm nay, giá trị các vụ thâu tóm công ty Mỹ mà doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm 67%, nhưng chủ yếu do Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm soát vốn - theo công ty tư vấn Rhodium Group có trụ sở ở New York.
Midea Group Co. - nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới, đầu năm nay mua lại công ty sản xuất người máy (robot) Đức Kuka AG với giá 4 tỷ USD - là một ví dụ khác. Midea có các iên doanh sản xuất và phân phối với Carrier - công ty con chuyên về máy điều hòa không khí thuộc tập đoàn United Technologies của Mỹ - tại Argentina, Brazil và Bắc Mỹ. Ngoài ra, Carrier cũng nắm một cổ phần nhỏ trong mảng sản xuất tủ lạnh của Midea ở Trùng Khánh, Trung Quốc.
"Quy mô hợp tác của chúng tôi đang trở nên lớn hơn qua từng năm. Các giao dịch của United Technologies với chúng tôi trị giá hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Nếu đây không phải là quan hệ đôi bên cùng có lợi, thì đã không thể phát triển đến vậy", Chủ tịch kiêm CEO của Mideao, ông Paul Fang, phát biểu.
"Về quan hệ song phương giữa hai nước cũng tương tự. Nếu đây không phải là quan hệ đôi bên cùng có lợi, thì Trung Quốc và Mỹ sẽ không thể đạt tới quy mô hợp tác như thế".
Mặc dù vậy, không phải ai cũng lạc quan về hợp tác Trung-Mỹ. Một cuộc khảo sát của Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Trung Quốc cho thấy 80% công ty Mỹ cảm thấy ít được chào đón hơn ở Trung Quốc so với trước đây, nhấn mạnh rằng những thách thức lớn nhất nằm ở việc vận dụng thiếu nhất quán các quy chế giám sát và quy định pháp luật còn thiếu rõ ràng.
Những nỗ lực để đạt thỏa thuận giữa hai nước về hiệp ước đầu tư song phương còn diễn ra chậm chạp, trong đó Trung Quốc còn chưa mở cửa nhiều ngành cho đầu tư nước ngoài - Chủ tịch AmCham tại Trung Quốc William Zarit nói.
Tại hội chợ thương mại Canton ở Quảng Châu, Sarah Ouyang - đại diện một công ty xuất khẩu đồ thể thao - không cho rằng chính sách của Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc. Bà Ouyang lấy ví dụ về cuộc họp của lãnh đạo nhóm 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ở Hạ Môn, Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua như một ví dụ cho thấy quan hệ thương mại đang được thức đẩy ra sao giữa các quốc gia trên thế giới.
"Chúng tôi luôn có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc", vị đại diện doanh nghiệp nói.