Doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ quy tắc xuất xứ khi Anh gia nhập CPTPP
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng nguồn cung nguyên vật liệu từ các nước thành viên trong khối CPTPP, trong đó có Vương quốc Anh để sản xuất, xuất khẩu...

Tại hội thảo “Vương quốc Anh gia nhập CPTPP - Ý nghĩa đối với doanh nghiệp”, ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, chia sẻ Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam đánh dấu mốc lịch sử của Vương quốc Anh.
Đây là quyết định chiến lược của Anh quốc, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong công tác hội nhập, mở cửa thị trường.
GIA TĂNG XUẤT KHẨU, THỊ TRƯỜNG MỞ RỘNG
Với CPTPP, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh sẽ được miễn giảm thuế quan, điều này góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
Khẳng định CPTPP đã và đang mang đến những động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Vương quốc Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh cũng được hỗ trợ rất lớn từ Hiệp định CPTPP.
Năm 2024 giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 8,4 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Vương quốc Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu.

Tuy nhiên, dư địa hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Bởi, hiện nay, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường Vương Quốc Anh chỉ chiếm khoảng 6,8% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ra thế giới, trong khi đó, Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng kim ngạch hàng nhập khẩu của Vương quốc Anh với đối tác. Điều này cho thấy, có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của hai quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của nhau.
“Chúng ta đã có CPTPP, có cả UKVFTA, cơ hội là rất lớn nhưng điều quan trọng là phải hiểu và tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định này”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý.
Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, cũng khẳng định rằng với CPTPP, chúng ta có sự tiếp cận thị trường tốt hơn trong thương mại hàng hóa dành cho doanh nghiệp. Lợi ích to lớn nhất mà CPTPP mang lại chính là quy tắc xuất xứ. Doanh nghiệp hai bên có thể tận dụng yếu tố này để tận dụng để tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Đáng chú ý, chương về thương mại dịch vụ trong CPTPP sẽ mang lại những lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp Vương quốc Anh. Còn đối với Hiệp định UKVFTA, các doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn nếu tiếp cận các lĩnh vực mua sắm chính phủ, hay đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh…
TÍNH TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP PHẢI ĐƯỢC CHÚ TRỌNG
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thừa nhận Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp Việt Nam tiếp cận các mặt hàng có chất lượng và công nghệ cao của Vương quốc Anh.
Đồng thời, giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội học hỏi trong các ngành công nghệ, năng lượng sạch… Cùng với đó, thúc đẩy thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Vương quốc Anh vào Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cũng nhấn mạnh việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP đang mang đến nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp giày dép, túi xách ở trong nước.
Cụ thể, theo bà Xuân, doanh nghiệp trong nước đã và đang làm rất tốt các thủ tục tận dụng ưu đãi từ CPTPP để xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định. Thêm thị trường Vương quốc Anh, các doanh nghiệp có thể tận dụng các bộ thủ tục sẵn có, như vậy vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, thủ tục hành chính.
Mặt khác, doanh nghiệp da giày, túi xách có thêm cơ hội mở rộng nguồn cung nguyên vật liệu từ các nước thành viên, trong đó có Vương quốc Anh để sản xuất, xuất khẩu trong khối CPTPP.
Tuy nhiên, theo đại diện Lefaso, Hiệp định CPTPP hay UKVFTA đều là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, do vậy, đòi hỏi nước xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao năng lực nội tại.
“Với các FTA, chúng ta đã và đang đi trên “cao tốc”, do vậy, tính trách nhiệm cần phải được chú trọng. Các doanh nghiệp cần chú ý đến điều khoản về môi trường, về lao động… để đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững trong các hiệp định", bà Xuân nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết Vương quốc Anh gia nhập CPTPP mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thủy sản cả về thuế quan, về xuất xứ nội khối…, nhất là đối với mặt hàng cá ngừ. Anh quốc là thị trường quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam cả về xuất khẩu và nhập khẩu.
Đáng chú ý, cùng với CPTPP, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng đã ký kết Hiệp định UKVFTA. "Như vậy, cả CPTPP và UKVFTA đã, đang tạo động lực tăng trưởng rất lớn trong quan hệ song phương, đồng thời mở ra không gian phát triển mới trong các lĩnh vực tiềm năng", ông Nam nêu rõ.