Doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sơ bộ xác định, doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam không nhận được trợ cấp hay lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ Việt Nam đối với 26/27 chương trình bị cáo buộc...
Thông tin mới nhất từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết ngày 18/7/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ nhất thuế chống trợ cấp lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó tháng 6/2020, Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với lốp xe ô tô nhập khẩu.
Đến tháng 7/2021, Hoa Kỳ công bố áp thuế đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam ở mức thuế chống bán phá giá là 0% - 22,27% và thuế chống trợ cấp là 6,23% - 7,89%.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam sang Hoa Kỳ) vẫn được xác định không bán phá giá, đồng nghĩa với việc sản phẩm của các doanh nghiệp này không bị áp thuế chống bán phá giá.
Vì vậy, tổng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung thấp nhất trong số các nước, vùng lãnh thổ bị điều tra trong vụ việc này, như Hàn Quốc (14,72% - 27,05%), Đài Loan - Trung Quốc (20,04% - 101,84%), Thái Lan (từ 14,62% - 21,09%).
Ngày 6/9/2022, DOC đã tiến hành rà soát thuế chống trợ cấp theo đề nghị của 1 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn 10/11/2020 - 31/12/2021.
Đến ngày 18/7/2023, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ nhất thuế chống trợ cấp lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam.
Trên cơ sở xem xét thông tin từ các bên liên quan bao gồm Chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nguyên đơn (ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, DOC sơ bộ xác định doanh nghiệp này không nhận được trợ cấp/lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ Việt Nam đối với 26/27 chương trình bị cáo buộc.
Đối với 1 chương trình bị cáo buộc còn lại (định giá thấp tiền tệ), căn cứ thông tin của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, DOC tính toán mức thuế trợ cấp sơ bộ đối với doanh nghiệp là 1,26% trong giai đoạn 10/11 - 31/12/2020 và 0% trong giai đoạn 1/1 - 31/12/2021, giảm đáng kể so với mức thuế hiện hành áp dụng cho doanh nghiệp này là 6,46%.
Theo số liệu của Hải quan Mỹ, trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 525 triệu USD sản phẩm nói trên sang thị trường Mỹ.
Cục Phòng vệ Thương mại thông tin thêm, DOC dự kiến ban hành kết luận cuối cùng đối với vụ việc rà soát muộn nhất là 120 ngày kể từ ngày công bố kết luận sơ bộ.
Bộ Công Thương cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về đơn kiện, Bộ đã triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như họp, trao đổi, tư vấn phương hướng xử lý vụ việc với Hiệp hội Cao su Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, tham vấn chính thức với phía Mỹ về các nội dung trong cáo buộc của nguyên đơn Mỹ.
Ngoài ra, Bộ cũng đã phối hợp với các bộ ngành liên quan báo cáo vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị phương án xử lý với mục tiêu hỗ trợ, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong các chương trình bị cáo buộc trợ cấp, đáng lưu ý, lần đầu tiên kể từ khi pháp luật chống trợ cấp sửa đổi của Mỹ được ban hành và có hiệu lực vào tháng 4.2020, nội dung "định giá thấp tiền tệ" được Bộ Thương mại Mỹ điều tra trong khuôn khổ vụ việc chống trợ cấp.
Đây là chương trình bị điều tra dựa trên cáo buộc của nguyên đơn Mỹ cho rằng chính sách "định giá thấp tiền tệ" đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.