17:33 18/03/2024

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thấp thỏm vì hãng tàu ngoại tự ý tăng phụ phí

Anh Tú

Các hãng tàu ngoại tự ý thay đổi phụ thu xếp dỡ tại cảng biển (THC) với hàng hoá container xuất nhập khẩu mà chưa minh bạch hay giải trình khi tăng sốc. Điều này khiến các chủ hàng chịu nhiều thiệt thòi khi 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đang được phụ thuộc bởi các hãng tàu nước ngoài...

Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét đưa phụ thu giá THC vào danh mục hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét đưa phụ thu giá THC vào danh mục hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười vừa chủ trì cuộc họp về phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container xuất nhập khẩu vận tải bằng đường biển. 

TĂNG GIÁ ĐỘT NGỘT, LỢI NHUẬN VÀO "TÚI" HÃNG TÀU NGOẠI

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, cho biết phụ thu xếp dỡ tại cảng biển (THC) mà các hãng tàu thu đối với hàng hoá container xuất nhập khẩu thay đổi khá đột ngột, gây ảnh hưởng lớn tới các chủ hàng. Do đó, ông Thông kiến nghị nhà nước cần xem xét, điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan trong đó có việc đưa phụ thu giá THC vào danh mục phải kê khai.

 

"Theo thông lệ quốc tế, giá THC sẽ dành 80% để trả giá dịch vụ bốc xếp cho cảng nhưng tại Việt Nam mới trả được khoảng 40%. Thế nhưng, các hãng tàu tăng khoảng 3 lần so với giá điều chỉnh bốc xếp khiến các chủ hàng chịu nhiều thiệt thòi".

Ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp Hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải.

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), nêu rõ phần lớn sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng các hãng tàu nước ngoài, chủ yếu là 10 hãng tàu lớn.

Các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng.

Theo lý giải ông Trung, có nhiều lý do hãng tàu tăng phụ thu, trong đó, có việc một số hãng tàu phải cố gắng duy trì, đảm bảo thời gian giao hàng trong điều kiện tàu không thể chạy qua kênh đào Suez, ảnh hưởng tới cam kết thương mại.

Tuy nhiên, việc tăng giá chưa có cơ chế minh bạch, rõ ràng, cần xem xét hành lang pháp lý để có cơ chế quản lý các mức phụ thu của hãng tàu sao cho phù hợp.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Về phía các hãng tàu, bà Hoàng Thị Hồng, đại diện hãng tàu CU Lines, khẳng định hãng tàu luôn xác định Việt Nam là thị trường được ưu tiên hàng đầu. Hãng tàu CU Lines cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, theo dõi và thực thi các quy định của Nhà nước cũng như xem xét lại các vấn đề về phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container để luôn có mức điều chỉnh hợp lý.

Hãng tàu Maersk Lines là một trong số ít các hãng tàu không tăng giá THC thời gian qua và chưa có kế hoạch tăng giá THC. Đại diện hãng tàu Maersk Lines bày tỏ mong muốn bình ổn thị trường và khẳng định nếu có kế hoạch tăng giá THC, hãng tàu sẽ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, gửi các thông báo tới Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Theo ý kiến của đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam có vị thế khác với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam cũng là nơi các hãng tàu đang tạo nguồn doanh thu lớn. Do đó, các hãng tàu cần thay đổi cách nhìn và tôn trọng thị trường Việt Nam, xem xét cẩn trọng trước các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Trong thời tới, Cục Quản lý giá và Cục Xuất nhập khẩu sẽ tăng cường phối hợp, đồng hành cùng Cục Hàng hải Việt Nam để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch cơ chế giá, phí, vấn đề thu giá THC tại Việt Nam.

KIỂM SOÁT CHẶT CÁC HÃNG TÀU, ĐẢM BẢO MINH BẠCH MỨC GIÁ

Trong văn bản gửi Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan mới đây, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đưa ra 3 đề xuất để tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.

Thứ nhất, bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tùy ý tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu.

Hãng tàu cần có báo cáo về cơ cấu phí THC, trong trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận thì đề xuất cơ quan chức năng xem xét áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thứ hai, sớm rà soát và ban hành cơ chế quản lý việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành các cơ chế phù hợp quản lý việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm quản lý các hãng tàu nước ngoài từ các quốc gia lân cận để xây dựng, hoàn thiện các giải pháp tăng cường kiểm soát hoạt động của các hãng tàu nước ngoài, tránh thất thu ngân sách nhà nước, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước.

Sau khi nghe báo cáo của các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Cục trưởng Lê Đỗ Mười, cho rằng các hiệp hội chuyên ngành và các hãng tàu cần trao đổi, đàm phán, hiệp thương để đưa ra các giải pháp phù hợp, mang lại lợi ích cho các bên.

Trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hãng tàu, các công ty giao nhận trung gian để bảo đảm công khai minh bạch mức giá, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động vận tải biển phát triển bền vững.

Đồng thời, Cục trưởng cho rằng Việt Nam là thị trường có sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn trong khu vực và là thị trường tiềm năng đối với các hãng tàu. Do vậy, các hãng tàu cũng cần có giải pháp cân đối chi phí, giảm các phụ thu hỗ trợ cho chủ hàng xuất nhập khẩu trong giai đoạn khó khăn.

Trong văn bản hồi đáp việc tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá, bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá.

Trước đây, Bộ Giao thông vận tải từng đề xuất đưa phụ thu giá THC vào danh mục hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá trong Luật Giá 2023 và nghị định thi hành nhưng chưa thuyết minh rõ sự phù hợp với quy định pháp luật về giá, pháp luật hàng hải và thông lệ quốc tế; sự cần thiết bổ sung dịch vụ này vào danh mục kê khai giá.

Về đề xuất phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt cũng chưa có đủ thông tin, cơ sở để đánh thuế. Do vậy, cần được tiếp tục nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xử lý kiến nghị của Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam và Hiệp hội chủ hàng Việt Nam theo thẩm quyền. Bộ Tài chính sẽ tham gia theo chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

 

Hiện nay, các hãng tàu đang thu khoảng 10 loại phụ phí đối với hàng hóa tại cảng biển như: phụ thu phí THC, phụ thu chứng từ, phụ thu xăng dầu, vệ sinh container…

Theo đó, phí xếp dỡ (THC) là phụ phí xếp dỡ tại cảng được tính trên mỗi container và theo số lượng container hàng hóa của đơn vị gửi hàng nhằm chi trả cho việc xếp dỡ hàng tại cảng và được thu dựa theo từng loại container. Container 20 feet khô có mức phí trung bình khoảng 139 USD và 213 USD/container 40 feet; container 20 feet lạnh có phí THC khoảng 184 USD và 266 USD/container 40 feet lạnh. Ngay từ đầu năm 2024, các hãng tàu nước ngoài đã liên tục công bố tăng từ 10-20% phí THC đối với mỗi loại dịch vụ container.