Doanh số smartphone Huawei có thể "bốc hơi" 1/4 vì lệnh trừng phạt của Mỹ
Giới phân tích bi quan về triển vọng doanh số smartphone của Huawei trong bối cảnh hãng này bị Mỹ trừng phạt
Doanh số điện thoại thông minh (smartphone) của Huawei có thể giảm tới 1/4 trong năm 2019 do tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, và Huawei cũng đối mặt khả năng các sản phẩm smartphone của hãng biến mất khỏi thị trường quốc tế - hãng tin Reuters dẫn nhận định của giới phân tích.
Một nghiên cứu của Fubon Research and Strategy Analytics nói rằng doanh số điện thoại của Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn thứ nhì thế giới, có thể giảm từ 4-24% nếu Mỹ duy trì sự trừng phạt đối với hãng này.
Nhiều nhà phân tích khác cũng dự báo doanh số smartphone của Huawei sẽ giảm vì các hạn chế mà Mỹ đặt ra đối với hãng, nhưng từ chối đưa ra một con số ước tính cụ thể, vì đang còn rất nhiều bấp bênh xung quanh vấn đề này.
Trong cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc, Mỹ mới đây đã đưa Huawei vào một "danh sách đen" nhằm khiến hãng này không mua được linh kiện, công nghệ gì từ các nhà cung cấp Mỹ. Lệnh cấp áp dụng đối với các hàng hóa và dịch vụ có từ 25% trở lên công nghệ và nguyên vật liệu có xuất xứ từ Mỹ, và bởi vậy ảnh hưởng đến cả các nhà cung cấp không phải là doanh nghiệp Mỹ.
"Huawei có thể sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường smartphone ở Tây Âu vào năm tới nếu mất quyền tiếp cận với Google", bà Linda Sui, Giám đốc phụ trách chiến lược smartphone tại Strategy Analytics, nhận xét.
Bà Sui dự báo doanh số smartphone của Huawei giảm khoảng 23% trong năm tới, nhưng tin rằng công ty vẫn có thể "sống sót" nhờ quy mô lớn của thị trường Trung Quốc.
Với dự báo trước đây là Huawei đạt doanh số 258 triệu chiếc smartphone trong 2019, Fubon Research giờ đây giảm dự báo này về 200 chiếc smartphone trong kịch bản xấu nhất đối với "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc.
Theo dữ liệu của IDC, Huawei hiện nắm gần 30% thị trường smartphone châu Âu. Năm ngoái, hãng bán được 208 triệu chiếc smartphone trên toàn cầu, trong đó khoảng một nửa là tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Châu Âu hiện là thị trường quan trọng nhất dành cho các sản phẩm smartphone cao cấp của Huawei.
Huawei tuyên bố đã phát triển được công nghệ cần thiết để tồn tại độc lập mà không cần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này. Họ nói các linh kiện và tài sản trí tuệ cần thiết cho thiết bị của Huawei không hề có bên ngoài nước Mỹ.
Một báo cáo của công ty đầu tư CLSA nhận định Huawei có thể đã tích trữ đủ linh kiện để dùng cho hoạt động sản xuất smartphone và thiết bị mạng viễn thông trong mấy tháng tới, nhưng khả năng tồn tại cuối cùng của công ty này sẽ phụ thuộc nhiều vào công ty sản xuất con chip Đài Loan TSMC. Đây là nhà gia công con chip lớn nhất thế giới, sản xuất hầu hết các con chip hiện đại mà HiSilicon, công ty con chuyên về thiết bị bán dẫn của Huawei, thiết kế.
Hiện tại, TSMC chưa bị ảnh hưởng bởi biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Huawei.
Theo nhà phân tích Stewart Randall thuộc Intralink, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, Huawei có thể phải sa thải hàng nghìn công nhân và "biến mất với tư cách một hãng lớn trong một khoảng thời gian" vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong trường hợp đó, khách hàng tiềm năng của Huawei có thể sẽ mua điện thoại từ các hãng khác như Samsung, Apple, Oppo hay Vivo.