08:00 22/12/2008

Đối mặt nguy cơ mất việc

Tuy là thời điểm “năm hết tết đến” nhưng nhiều doanh nghiệp đã đưa ra thông báo sẽ giãn bớt công việc

Trong 3-4 tháng gần đây, đặc biệt là dịp cuối năm, đã có nhiều doanh nghiệp thông báo việc cắt giảm lao động do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Trong 3-4 tháng gần đây, đặc biệt là dịp cuối năm, đã có nhiều doanh nghiệp thông báo việc cắt giảm lao động do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tuy là thời điểm “năm hết tết đến” nhưng nhiều doanh nghiệp đã đưa ra thông báo sẽ giãn bớt công việc, đồng nghĩa với việc nhiều người lao động có nguy cơ bị mất việc.

Đây là tác động đã được cảnh báo trước do suy giảm kinh tế.

Đối diện khó khăn…

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 16/12, các doanh nghiệp Nhà nước đều cam kết sẽ bảo đảm không để người lao động bị mất việc làm.

Tuy nhiên, với lao động ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nguy cơ mất việc làm đang nhãn tiền đối với một bộ phận lao động, nhất là những lao động gần hết hạn hợp đồng, lao động làm việc hiệu quả kém... Nguyên nhân là đơn hàng của doanh nghiệp bị cắt giảm, dẫn đến hàng ngàn lao động bị mất việc làm.

Theo Ban quản lý Các khu công nghiệp - khu chế xuất thành phố Hà Nội, trong 3-4 tháng gần đây, đặc biệt là dịp cuối năm, đã có nhiều doanh nghiệp thông báo việc cắt giảm lao động do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Cắt giảm nhiều nhất phải kể đến Công ty Canon (Khu công nghiệp Thăng Long), với khoảng 2.000 lao động, Công ty Nissei Electric khoảng 300 lao động...

Tại Khu công nghiệp Nội Bài đã có một số doanh nghiệp thông báo cắt giảm với từ 30-50 lao động. Ngoài việc cắt giảm lao động, hiện đang có nhiều doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho công nhân tạm ngưng việc hoặc nghỉ việc ăn lương từ 50%-70%. Số lượng lao động vào làm việc ở các Khu công nghiệp cũng ít đi so với năm 2007. Nguyên nhân được lý giải là giá cả tăng cao, công việc ít dần nên nhiều công nhân “bỏ phố về làng”.

Tại Vĩnh Phúc, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI lớn của phía Bắc, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, việc cắt giảm lao động đang diễn ra rất rõ rệt.

Sàng lọc!

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp thuận lợi như Vinakorea (chuyên hoạt động may mặc xuất khẩu, 100% vốn Hàn Quốc) đã có đơn hàng đến tận tháng 4/2009. Một số doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan trong lĩnh vực cơ khí cũng duy trì được sản xuất ổn định.

Nhưng tại nhiều doanh nghiệp khác, tác động suy giảm bắt đầu từ việc doanh nghiệp không mở rộng sản xuất, không tăng ca, khiến người lao động bị sụt giảm thu nhập (hầu hết thu nhập của người lao động ở các doanh nghiệp FDI là nhờ vào làm thêm).

Tập đoàn Vĩnh Phúc (chuyên về gạch ốp lát cao cấp) cũng đã lên phương án sẵn sàng cho việc suy giảm, hoặc sẽ xem xét sa thải những lao động kỹ luật kém, hiệu quả kém; hoặc chỉ làm việc 22-24 ngày/tháng.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chíp điện tử cũng đang gặp khó khăn, nhưng không dám sa thải người lao động, vì người lao động làm việc trong lĩnh vực này được đào tạo rất kỹ, chuyên môn cao nên không dễ tìm người thay thế.

Honda Vĩnh Phúc cũng thông báo trước mắt cho trên 100 lao động đang trong thời gian thử việc nghỉ làm, sau đó sẽ sa thải mấy chục lao động hết hạn hợp đồng có hiệu quả làm việc thấp.

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại các tỉnh phía Nam, nhất là ở Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cắt giảm khoảng trên 3.000 lao động.

Khi người lao động bị cắt giảm việc làm, điều có thể làm được là công đoàn vào cuộc để bảo vệ quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, can thiệp cũng chỉ dừng ở mức giám sát để doanh nghiệp giải quyết chế độ cho người lao động đúng luật, cũng như khuyến khích doanh nghiệp có những hình thức hỗ trợ để giúp người lao động bớt thiệt thòi. Trong tình hình hiện nay, rõ ràng người lao động đang cần sự hỗ trợ từ nhiều phía để hạn chế tổn thương do suy giảm kinh tế đem lại.

Không chỉ người lao động trong nước, nhiều lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài cũng đang lâm vào cảnh điêu đứng khi “đường về nhà quá xa”. Diễn ra trầm trọng nhất là tại thị trường Đài Loan. Ít nhất khoảng 200 lao động phải về nước trong dịp này.

Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan lý giải, nguyên nhân là do ngành công nghiệp điện tử của Đài Loan (chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ) bị tác động rất nặng nề do suy thoái kinh tế.

Cùng với Đài Loan, hàng trăm lao động ở thị trường Cộng hòa Séc cũng đang trong tình cảnh phải đối mặt với tình trạng mất việc ở nước bạn.

Quang Phương (SGGP)