Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 7-2022
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 7 phát hành ngày 14-02-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Mặc dù, xuất khẩu đã khởi sắc ngay từ đầu năm, nhưng không vì thế mà chủ quan, bởi xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết. Đó là yếu tố thiếu bền vững, quy mô xuất khẩu tăng cao, nhưng giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến. Đặc biệt, tỷ trọng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước trong tổng xuất khẩu còn thấp.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của Covid-19 chưa bộc lộ hết. Ngoài ra, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 14/2/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm: "Xuất khẩu cần xung lực mới" nhằm góp thêm những quan điểm, những góc nhìn cho những giải pháp giúp giữ vững những kỷ lục về xuất nhập khẩu trong năm 2022.
Các bài viết bao gồm:
- Xuất nhập khẩu khởi sắc nhưng không thể chủ quan. Tiếp nối đà “hưng phấn” của năm 2021, bước vào đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Thậm chí, trong thời gian 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần vừa qua, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước vẫn tăng mạnh tới 83% so với dịp Tết Tân Sửu năm 2021. Với kết quả này, nhiều kỷ lục mới sẽ được thiết lập cho dù con đường phía trước còn không ít “chông gai”. (Mạnh Đức).
- Tận dụng lực đẩy từ FTA để gia tăng xuất khẩu. Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong năm 2022. Dẫu con đường phía trước còn nhiều gian nan thử thách, song người đứng đầu ngành Công thương tin tưởng rằng với tiến trình hội nhập quốc tế kiên định, uyển chuyển thông qua việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu của Việt Nam sẽ bứt phá hơn nữa. Phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương. (Nguyễn Mạnh).
- Thị trường FTA: “Bước đệm” cho xuất khẩu tăng tốc. Các nước có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam được đánh giá là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam sau Covid-19. Tuy nhiên, để khai thác được thị phần ở đây là điều không dễ, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần có chiến lược đường dài và đi xa hơn. (Vũ Khuê).
- Xuất khẩu nông lâm thủy sản tự tin với mục tiêu 50 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt và có khả năng vượt 50 tỷ USD. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, xuất khẩu của ngành có nhiều cơ hội giữ được đà tăng trưởng cao, kim ngạch có thể tăng thêm 2,5 – 3 tỷ USD (tăng trưởng 5-6%) so với năm 2021. (Chu Khôi).
- Kết quả xuất khẩu của nông nghiệp theo Tổng cục Thống kê. Năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của ngành nông nghiệp lập kỷ lục 48,6 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này có chuẩn hay không? Thực tế cho thấy, số liệu này so với thống kê của Nhà nước có khác nhau. Theo đó, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản là 27,997 tỷ USD, tăng 11,95% so với năm 2020. (Nguyễn Duy Nghĩa).
Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:
- Giá trị lý luận và thực tiễn từ một tác phẩm quý. Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt hôm 9/2 vừa qua được nhiều chuyên gia, nhà khoa học coi là tài liệu quý, một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. (Nguyễn Quốc Uy).
- Nắm bắt xu thế toàn cầu: Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Cần đặt môi trường, khí hậu ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư… Trả lời phỏng vấn báo chí P/v Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh điều này và những nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022. (Nhĩ Anh).
- Dòng vốn từ Chương trình phục hồi sẽ giúp doanh nghiệp hồi sinh. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy đầu xuân năm mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh nhiều đến 6 giải pháp trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2022. Đáng chú ý, Bộ Tài chính sẽ triển khai giải pháp hỗ trợ về thuế giúp doanh nghiệp phục hồi và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đưa dòng vốn này kịp thời hỗ trợ tăng trưởng... Phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ánh Tuyết).
- Kinh tế TP.HCM tháng 1: Sản xuất công nghiệp giảm, thương mại dịch vụ khởi sắc. Mặc dù Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của TP.HCM trong tháng đầu tiên của năm 2022 giảm 6,2% so với tháng trước và giảm 9,4% so cùng kỳ năm 2021 do tháng 1 là tháng Tết, nhưng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, mua sắm tiêu dùng đều khởi sắc, thể hiện rõ nét kinh tế Thành phố vừa trải qua cơn “bạo bệnh” Covid-19. (Xuân Thái).
- Dòng vốn FDI sẽ tăng trưởng và bứt phá trong năm 2022. Năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19. (An An).
- Kết nối thông tin, hỗ trợ kiều bào đầu tư về nước. Lượng kiều hối được chuyển về nước trong vài năm trở lại đây đạt khoảng 17-18 tỷ USD/năm, cao hơn vốn FDI giải ngân. Vì vậy, việc đẩy mạnh kết nối và hỗ trợ kiều bào tìm kiếm dự án đầu tư tiềm năng, tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới thủ tục hành chính, quy định pháp luật… sẽ giúp gia tăng nguồn vốn này trong tương lai. P/v ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. (Anh Nhi).
- Quyết tâm đưa dự án trọng điểm “cán đích” đúng hẹn. Từ chuyến “vi hành” đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại các dự án trọng điểm ngành giao thông, những chỉ đạo quyết liệt tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2022 của bộ chủ quản đến khí thế thi công xuyên Tết trên công trường cho thấy quyết tâm không để các dự án trọng điểm chậm tiến độ, sớm xoá bỏ điểm nghẽn về hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế. (Anh Tú).
- Giảm thuế VAT xuống 8%: Doanh nghiệp “rối như canh hẹ”, khách hàng khó hưởng lợi. Nghị định số 15 quy định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, xuống còn 8% còn nhiều lấn cấn trong quá trình thực thi khiến nhiều doanh nghiệp “rối như canh hẹ” khi áp dụng, người tiêu dùng khó được thụ hưởng, dẫn đến chính sách phục hồi không đạt như kỳ vọng. (Ánh Tuyết).
- Ngân hàng tiến thoái lưỡng nan với nhóm khách hàng dưới chuẩn. Đại dịch Covid-19 từ 2020 đến nay như một trận cuồng phong bào mòn những nỗ lực chống đỡ của các doanh nghiệp. Một tỷ lệ khá lớn trong danh mục khách hàng không còn tài sản thế chấp trong khi thị trường chưa phục hồi rõ ràng, khiến ngân hàng không biết xoay xở thế nào, nhất là khi các thông tư giãn, hoãn nợ dần hết hiệu lực. (Đào Vũ).
- Ngành nào đang hút sự chú ý của “smart money”? Một năm mới của thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự bắt đầu sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Thời điểm các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 và cả năm 2021 cũng là thời điểm các nhà đầu tư chuyên nghiệp cơ cấu lại danh mục của mình. Dòng tiền chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh từ những ngành, doanh nghiệp đã tăng vượt xa kỳ vọng sang những nơi tiềm năng và rủi ro ít hơn. Vậy ngành nào đang lọt vào mắt xanh của “smart money”? (TS. Võ Đình Trí, Giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Pháp) và AVSE Global).
- Xung lực mới cho dệt may trong năm 2022. Khác với tình trạng thiếu lao động sau Tết vẫn diễn ra hàng năm, đầu năm 2022 tại hầu hết các doanh nghiệp dệt may 100% lao động đã phấn khởi trở lại làm việc… Ngành dệt may kỳ vọng vào một năm sản xuất thắng lợi, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD. (Vũ Khuê).
- Lợi dụng đấu giá đất để trục lợi: Cần bịt “lỗ hổng” pháp lý. Do những bất cập về pháp luật, trên thực tế đã xảy ra một số trường hợp nhà đầu tư lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để thiết lập mặt bằng giá đất “ảo” nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi bất chính hoặc “thổi vống” giá trị tài sản là bất động sản, nhất là tài sản thế chấp ngân hàng để được vay thêm vốn, “rút ruột” ngân hàng. Thậm chí để tăng giá trị trái phiếu hoặc làm tăng giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Phỏng vấn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM. (Phan Dương).
- Sớm sôi động trở lại bất động sản thương mại. Theo đánh giá của nhiều đơn vị quản lý bất động sản, từ cuối năm 2021, hoạt động của thị trường bất động sản thương mại, trong đó bao gồm mặt bằng bán lẻ, văn phòng, khách sạn đã bắt đầu ghi nhận những cải thiện tích cực. Đây là cơ sở để thị trường này sớm sôi động trở lại trong năm 2022. (Phan Nam).
- Công nghệ nào làm thay đổi hoạt động bán hàng, tiếp thị? Dịch Covid-19 đã trở thành chất “xúc tác” mạnh mẽ, làm thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng. Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, giành được “miếng bánh” trên thị trường, các doanh nghiệp bắt đầu triển khai các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, trợ lý kỹ thuật số và robot, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm và cải thiện trải nghiệm khách hàng. (Đỗ Phong).
- Sau nghỉ Tết, sôi động không khí lao động, sản xuất. Không còn tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi", sau thời gian nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp và người lao động đã nghiêm túc quay lại với nhịp độ làm việc bình thường từ rất sớm, với kỳ vọng về một năm mới nhiều tín hiệu tích cực. (Lưu Hà).
- Nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2022 tăng cao. Trải qua hai năm dịch bệnh Covid -18 với chiến lược phòng chống dịch đã làm cho thị trường lao động không ổn định, gia tăng thất nghiệp, gián đoạn việc làm. Tuy nhiên, năm 2022 với sự thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch nên một số ngành, nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. (Dũng Hiếu).
- Cá nhân hóa thương hiệu xa xỉ: Hút nhóm tiêu dùng mới. Sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Từ doanh nghiệp nhỏ lẻ cho tới các tập đoàn lớn đều đối mặt với những vấn đề cấp bách, yêu cầu sự đổi mới mang tính đột phá để tiến vào giai đoạn phục hồi... (Minh Nguyệt).
- Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, thế giới có “vạ lây”? Một đợt giảm tốc kéo dài của kinh tế Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho một số công ty đa quốc gia và các nhà sản xuất nguyên vật liệu thô trong thời gian tới đây, phủ bóng lên sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sự giảm tốc đó chưa chắc đã làm chệch hướng hoàn toàn đà phục hồi của thế giới. (An Huy).