11:09 14/01/2013

Dự án Usilk City sẽ “thoát hiểm” nhờ 300 tỷ?

Bảo Anh

Số phận dự án Usilk City liệu sẽ thay đổi sau khoản tín dụng từ ngân hàng BIDV?

Chắc chắn BIDV đã có tính toán khi dự án Usilk City đã hoàn thành 90% khối lượng, nhưng không thể có khả năng hoàn thiện để thu nốt khoản tiền còn lại của khách hàng.<br>
Chắc chắn BIDV đã có tính toán khi dự án Usilk City đã hoàn thành 90% khối lượng, nhưng không thể có khả năng hoàn thiện để thu nốt khoản tiền còn lại của khách hàng.<br>
Thông tin Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) rót 300 tỷ đồng vào dự án Usilk City của Sông Đà - Thăng Long (STL) mới đây đang gây ra những quan điểm trái chiều trong giới đầu tư bất động sản.

Đuối nước vớ được phao

Sở dĩ Usilk City được giới đầu tư bất động sản quan tâm và đổ xô rót tiền vào đây vài ba năm trước bởi dự án này được ví như “người khổng lồ” của STL với quy mô trên 9,2 ha, cùng tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đóng tiền mua nhà tại đây, Usilk City cũng đã làm nhiều nhà đầu tư tại dự án phải “ôm hận” với không ít vị đắng do dự án thiếu vốn, phải tạm dựng triển khai, hoàn thiện.

Không những thế, sau những khuyến mại khủng của chủ đầu tư như tặng chỗ để xe, tặng sàn thương mại…, khách hàng tại dự án cũng mất dần niềm tin khi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long vẫn liên tục thất hứa với khách hàng về tiến độ bàn giao nhà.

Sau những lùm xùm liên tiếp giáng xuống, thông tin về khoản tín dụng 300 tỷ đồng của BIDV sẽ được “rót” vào dự án Usilk City để giúp chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án đã ít nhiều mang lại sự “an ủi” cho hàng trăm khách hàng đang hồi hộp theo đuổi dự án này.

Trao đổi với VnEconomy, ông Trần Việt Sơn, Tổng giám đốc STL cho biết, theo hợp đồng tín dụng giữa BIDV - chi nhánh Thanh Xuân và STL thì mức độ tài trợ là 300 tỷ đồng là giúp doanh nghiệp này sớm hoàn thiện dự án để tiến hành bàn giao tòa CT1 của dự án.

“Tất nhiên, trước khi BIDV quyết định rót vốn cho STL, ngân hàng này cũng đã tiến hành thẩm định xem xét các vấn đề về tính khả thi cũng như cân đối giữa chi phí thực hiện và doanh thu của dự”, lãnh đạo STL nói.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay khoảng gần 600 hợp đồng mua bán giữa STL và khách hàng đều được ngân hàng xem xét và thẩm định ở góc độ quản trị để đảm bảo dòng tiền doanh thu còn lại tại dự án thực hiện đủ nghĩa vụ chi trả cho ngân hàng và đủ triển khai dự án. Khách hàng tại dự án sẽ đóng tiền trực tiếp cho ngân hàng BIDV, chi nhánh Thanh Xuân thông qua tài khoản của STL đã lập ra tại đây.

“Hiện cụm CT1 của Usilk City (gồm 3 tòa CT101. CT102, CT103) đang được triển khai và đã hoàn thiện tới 90% khối lượng công việc. Với gói hỗ trợ của BIDV, STL dự kiến tiến hành bàn giao những căn hộ đầu tiên cho khách hàng của dự án trong quý 2/2013”, ông Sơn cho hay.

Toan tính của BIDV?

Trong khi giải pháp huy động nguồn vốn cứu thị trường bất động sản nói chung được tập trung tối đa vực dậy phân khúc nhà ở xã hội, thu nhập thấp thì việc BIDV vẫn rót 300 tỷ đồng vào Usilk City khiến không ít người cho rằng đó là sự “làm liều”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch BIDV ông Trần Bắc Hà, việc BIDV quyết định rót 300 tỷ đồng để “cứu” STL là có cơ sở. Bởi lẽ, BIDV là doanh nghiệp đầu tiên đề xuất đưa ra khởi động chương trình cho vay 4 nhà, gồm nhà đầu tư, nhà băng (ngân hàng), nhà thầu và khách hàng, với mục tiêu là tháo gỡ dần những nút thắt của thị trường bất động sản hiện nay. Hợp đồng tín dụng mà BIDV đã ký với STL cũng là một trong những minh chứng cho chủ trương đó.

Cũng theo lãnh đạo BIDV, ngoài các dự án nhà ở xã hội, ngân hàng này vẫn đặt nhiều quan tâm vào những dự án bất động sản sắp hoàn thành, nhưng thiếu vốn để hoàn thiện, bàn giao nhà cho khách hàng. Trên thực tế,  cụm CT1 đến nay đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, nên việc thu hồi vốn ở trong tầm tay.

“Hy vọng với hợp đồng với STL sẽ tạo hiệu ứng tốt như là “cú hích” không chỉ cho các dự án khác mà đối với toàn thị trường nói chung”, lãnh đạo BIDV cho hay.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc BIDV rót vốn cho dự án Usilk City là một trong những giải pháp tốt. Việc Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội cũng chỉ ở một số dự án. Còn ở những dự án thương mại đã gần hoàn thiện, đã huy động vốn của người dân rồi nhưng chưa thể hoàn thiện do thiếu vốn thì các ngân hàng cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ hoàn thiện các dự án ở những phần nhất định.

“Những hợp đồng như BIDV với STL cần được nhân rộng với nhiều dự án khác hiện đang khó khăn về vốn hiện nay. Tuy khó hy vọng thị trường có thể nóng trở lại một cách nhanh chóng, nhưng từ những phân khúc nhất định nó sẽ lan dần ra, cộng hưởng với những giải pháp có tích chất toàn bộ, lâu dài khác, thị trường sẽ dần được vực dậy”, ông Nam nhìn nhận.