11:16 19/05/2016

Đưa tiếng nói của kiều bào vào Quốc hội

Ngô Minh

Uu tiên chính sách đại đoàn kết dân tộc, quyền lợi và trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài

<span style="font-size: 15px;">Ông Nguyễn Phú Bình (thứ hai bên trái) trong buổi gặp gỡ trí thức Kiều bào xuân Bính Thân ngày 16-17/2/2016 tại Tp.HCM.</span>
<span style="font-size: 15px;">Ông Nguyễn Phú Bình (thứ hai bên trái) trong buổi gặp gỡ trí thức Kiều bào xuân Bính Thân ngày 16-17/2/2016 tại Tp.HCM.</span>
“Khi ứng cử vào một đô thị năng động như Tp.HCM, tôi mong muốn sẽ có sáng kiến trong vận động một làn sóng đầu tư nước ngoài mới, chất lượng cao vào thành phố”.

Đó là chia sẻ của ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV- Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (thành viên của Mặt trân Tổ quốc Việt Nam), kiêm Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, trong các buổi tiếp xúc cử tri tại Cục chính trị, Quân khu 7, quận Phú Nhuận và cử tri tại một số phường thuộc quận Bình Thạnh, Tp.HCM những ngày qua.

Theo nhận định của ông Nguyễn Phú Bình, xu hướng kiều bào đầu tư về nước đang có những tiến triển rõ rệt. Vấn đề là chúng ta cần có các chính sách phù hợp hơn nữa để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho kiều bào đầu tư về nước.

Tận dụng nguồn lực của kiều bào

Thống kê cho thấy, hiện Việt Nam đang có hơn 4,5 triệu kiều bào sinh sống ở nước ngoài. Hàng năm, có hàng nghìn thanh niên, học sinh đi du học tại hầu hết các nước phát triển, dù trở về nước hay ở lại làm việc ở nước ngoài sau khi tốt nghiêp, vẫn sẽ là nguồn lực chất xám quan trọng của đất nước. Trong suốt những năm qua, kiều bào ta ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Điển hình là tại Tp.HCM, mức đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội... luôn ở vị trí dẫn đầu cả nước trong nhiều năm qua. Thống kê cho thấy, năm 2014, lượng kiều hối gửi về nước đã lên tới 12 tỷ USD, trong đó chỉ tính riêng về Tp.HCM là hơn 5 tỷ USD và con số này tiếp tục gia tăng trong năm 2015, chiếm khoảng 50% tổng số kiều hối cả nước. Mỗi năm có gần 1 triệu lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, gần 100.000 lượt kiều bào tạm trú tại địa phương và tính đến nay có gần 500 kiều bào đã trở về Tp.HCM sinh sống.

Để có được thành công trên, Tp.HCM đã tạo ra những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút, phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Có thể kể đến chính sách bố trí, sử dụng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học như: Viện KHCN và Tính toán, Viện Nghiên cứu sinh học, Khu công nghệ cao, với chế độ làm việc bán thời gian và cấp kinh phí hỗ trợ đặc biệt để hoạt động.

Thống kê của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài Tp.HCM cho thấy, đến nay đã có hàng trăm chuyên gia, trí thức từ nhiều quốc gia hợp tác làm việc tại Tp.HCM, trong đó: có 47 giáo sư và phó giáo sư, 50 tiến sĩ, 11 thạc sĩ.

Cùng với đó, Tp.HCM cũng có hơn 2.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Việt kiều được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn điều lệ hơn 35.000 tỷ đồng và 122 dự án đầu tư nước ngoài có vốn kiều bào với tổng vốn đầu tư trên 260 triệu USD.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri Tp.HCM tại Đơn vị bầu cử số 6 (quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh, Tp.HCM), Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết, ông luôn đánh giá tích cực về một thành phố có tiềm lực kinh tế, khoa học – kỹ thuật to lớn, tăng trưởng cao và là trung tâm, động lực phát triển của cả nước; là nơi có môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch lớn nhất; là nơi có đông kiều bào và tổ chức trẻ thành đạt ở nước ngoài trở về làm việc nhiều nhất.

“Đặc biệt, tôi cũng rất ấn tượng về những phát biểu quyết liệt và các hoạt động gần dân, sát với cuộc sống, vì cuộc sống của nhân dân của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và lãnh đạo thành phố. Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của ông, đưa thành phố trở lại vị trí số 1; biến thành phố thành nơi đáng sống, với cuộc sống an lành của nhân dân, là nơi có môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút du lịch nước ngoài”, Đại sứ Nguyễn Phú Bình khẳng định.

Phát huy vai trò cầu nối

Đóng góp quan trọng cho thành công trong việc thu hút và tận dụng tốt nguồn lực của kiều bào phải kể đến vai trò cầu nối của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao.

Hội có cơ cấu Trung ương và mạng lưới Hội thành viên ở hơn 30 hội thành viên ở các địa phương, thu hút thân nhân hoặc kiều bào hồi hương. Đồng thời, với vai trò là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Hội cũng phát huy chức năng và nhiệm vụ “phản biện và giám sát”, đã tích cực tham gia góp ý xây dựng hoặc kiến nghị sửa đổi các nội dung liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Hội đã tích cực ủng hộ các cá nhân, tập thể kiều bào trong việc thu thập và quảng bá thông tin cho cộng đồng quốc tế về những cơ sở pháp lý cũng như bằng chứng lịch sử liên quan tới Hoàng Sa, Trường Sa...

Trong vai trò người đứng đầu Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết, nếu đắc cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: ưu tiên cho công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, nhất là những luật liên quan đến đời sống và quyền con người, phát triển kinh tế-xã hội và doanh nghiệp...

Đặc biệt với kinh nghiệm hơn 40 năm trong ngành ngoại giao, những vấn đề liên quan đến đối ngoại gắn với bảo vệ, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chính sách Đại đoàn kết dân tộc quyền lợi và trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài...  cũng là những ưu tiên được Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh.