Dừng sáng kiến lập pháp "hiếm hoi" của đại biểu Quốc hội
"Đồng chí Khánh có buồn nhưng sẽ thanh thản vì đồng chí đã làm hết tâm, hết sức mình rồi"
Dù đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo Luật Hành chính công, sáng kiến lập pháp "hiếm hoi" của đại biểu Quốc hội, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án luật chưa đủ điều kiện trình Quốc hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng 11/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công.
Đây là dự thảo luật do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, người trình sáng kiến dự án luật - làm trưởng ban soạn thảo. Điều này được xem một dấu ấn rất mới trong công tác lập pháp của Việt Nam, trong bối cảnh hầu hết các dự luật do Chính phủ trình và bộ trưởng làm trưởng ban soạn thảo.
Bà Khánh cũng là người trình bày tờ trình trong phiên họp sáng 11/9.
Theo tờ trình thì phạm vi điều chỉnh của luật: quy định thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.
Được nhấn mạnh là những quy định mới, chưa có trong các đạo luật hiện hành là chương 5 với 5 điều quy định trách nhiệm, mối quan hệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công; trách nhiệm, mối quan hệ của cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân; trách nhiệm, mối quan hệ của cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp; trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp; xử lý vi phạm, bồi thường trong hoạt động hành chính công.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Uỷ ban Pháp luật cho rằng còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là những vấn đề được Chính phủ nêu ra từ sự cần thiết, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ sở để đưa ra những quy định trong dự thảo luật, tính hợp lý, khả thi của quy định, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật đến các nhận định về báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động cơ bản chưa được khắc phục, làm rõ.
Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh, mục đích ban hành Luật Hành chính công khi được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật cũng khác nhiều so với đề nghị của Ban soạn thảo lần này.
Về nội dung, nhiều quy định trong dự thảo luật không bảo đảm tính khả thi, còn chung chung, mang tính nguyên tắc, chủ trương, định hướng, không thể áp dụng trực tiếp ngay được.
Theo cơ quan thẩm tra thì việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được rà soát, bổ sung, hoàn thiện thì mới bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội.
Phần thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng còn rất nhiều băn khoăn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: ban hành luật này có phá vỡ hệ thống pháp luật hiện nay hay không?
"Chúng tôi đã rà soát, quy định trong luật này sẽ không phá vỡ hệ thống pháp luật mà chọn vấn đề nào pháp luật hiện hành chưa quy định, như vấn đề nguyên tắc chung, chuẩn chung", Trưởng ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh khẳng định.
Mục đích, ý tưởng tốt nhưng thời điểm này chưa phù hợp, chưa khả thi để trình ra Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận xét và ông cho rằng có thể dừng lại ở công trình khoa học, ghi dấu ấn của ban soạn thảo, khi có điều kiện thì lại tiếp tục thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định cá nhân rất ủng hộ sáng kiến lập pháp của đại biểu Khánh.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, hành chính công là vấn đề rất rộng, phức tạp, nội dung cụ thể đang được điều chỉnh trong nhiều đạo luật hiện hành. Trong khi đó, tính quy phạm và tính cụ thể của dự thảo chưa đạt yêu cầu, còn chung chung.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị coi đây là công trình nghiên cứu để tham khảo, làm cơ sở khi xây dựng các quy định liên quan hành chính công ở các luật.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khái quát: tính thống nhất, tính đồng bộ, tính khả thi và tính quy phạm chưa bảo đảm; nhiều chính sách chưa đánh giá kỹ tác động.
"Đồng chí Khánh có buồn nhưng sẽ thanh thản vì đồng chí đã làm hết tâm, hết sức mình rồi!, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ và đề nghị Uỷ ban Pháp luật tiếp tục có báo cáo thẩm tra nhưng trên tinh thần báo cáo Quốc hội xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình, không làm nữa.
Phát biểu tiếp thu, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói:"nếu có dừng xây dựng dự án luật thì tôi cũng không suy nghĩ gì vì đã làm hết sức mình".