07:05 18/04/2008

Đường sắt lo quá tải dịp nghỉ lễ

Thúy Nhung

Ngành đường sắt đang lo ngại tình trạng quá tải trong vận chuyển khách hàng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới

Lượng khách hàng đi tàu được đánh giá là thường không ổn định, khi hay tăng đột biến vào các dịp lễ, tết nhưng sau đó lại giảm nhanh chóng.
Lượng khách hàng đi tàu được đánh giá là thường không ổn định, khi hay tăng đột biến vào các dịp lễ, tết nhưng sau đó lại giảm nhanh chóng.
Ngành đường sắt đang lo ngại tình trạng quá tải trong vận chuyển khách hàng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới.

Sẽ tăng thêm chuyến tàu

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới tuy rơi vào giữa tuần, nhưng nhiều đơn vị đã bố trí cho cán bộ công nhân viên nghỉ bù, do vậy khá nhiều người sẽ có được 5 ngày nghỉ liền nhau.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó trưởng ga Hà Nội dự báo trong dịp này, lượng hành khách sử dụng tàu đi đến các địa điểm du lịch sẽ khá lớn, với đa số thuộc các cơ quan, đơn vị, hãng lữ hành. Những tập thể này lại chủ yếu có nhu cầu đối với các toa hạng sang có phục vụ điều hòa nhiệt độ. “Do đó, sẽ thiếu hụt một lượng lớn ghế mềm, gường nằm và những toa chất lượng cao để phục vụ nhu cầu của hành khách”, bà Hà nhận định.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), cho dù có tình trạng thiếu hụt các toa chất lượng cao, nhưng nhiều tuyến như Hà Nội - Đà Nẵng đến nay cũng đã không còn chỗ trống ở tất cả các hạng vé.

Thông thường với khoảng cách xa trên 300 km, khách hàng sẽ có xu hướng sử dụng dịch vụ đường sắt. Vì vậy, theo dự tính của ngành khối lượng khách đi lại trong dịp này sẽ tăng khoảng 250% so với ngày thường. “Nhưng dù có cố gắng hết mức chúng tôi cũng chỉ có thể phục vụ tới 200% số lượng khách”, ông Tuyên nói.

Lượng khách hàng đi tàu được đánh giá là thường không ổn định, khi hay tăng đột biến vào các dịp lễ, tết nhưng sau đó lại giảm nhanh chóng, nên theo ông Tuyên, "nhà tàu" không thể tăng số lượng toa xe nếu không thường xuyên sử dụng hết công suất, chưa kể phải chi phí bảo dưỡng khá tốn kém.

Hiện tại, Tổng công ty Đường sắt đang có kế hoạch điều chuyển tàu từ những tuyến ít khách như Hà Nội - Hải Phòng để có thể tăng cường cho các tuyến khác như Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang...

“Nhà xe” sẵn sàng

Trái hẳn với sự lo lắng vì quá tải của ngành đường sắt, ngành vận tải đường bộ lại khá ung dung, vì theo dự báo, trong dịp 30/4 - 1/5 lượng khách thường chỉ tăng từ 10-20%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Tây (bến xe Mỹ Đình - Hà Nội), kinh nghiệm tại bến xe này nhiều năm cho thấy, trong dịp nghỉ lễ tới đây, số lượng khách sẽ chỉ tăng khoảng 10% so với ngày thường và tập trung ở một vài tuyến nhất định, như Hà Nội - Bãi Cháy - Cẩm Phả.

“Thực tế dịp nghỉ quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, lượng khách vào bến cũng không hề khác ngày thường, kể cả các tuyến đi Phú Thọ, Việt Trì”, ông Tiến dẫn chứng.

Tuy nhiên, xí nghiệp nãy cũng đã có phương án dự phòng. Tuyến cao điểm Hà Nội - Bãi Cháy - Cẩm Phả có thể tăng cường tới 20 xe từ 29 đến 45 chỗ ngồi, tùy vào nhu cầu thực tế của khách. Các tuyến khác cũng đã dự phòng thêm khoảng 5 xe để đảm bảo cho khách không phải chờ đợi lâu tại bến.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe khách phía Nam (bến xe Giáp Bát - Hà Nội) cũng nhận đinh: lượng khách trong dịp nghỉ lễ sắp tới chỉ tăng khoảng 20% so với ngày thường.

Bến Giáp Bát hiện đã có sự chuẩn bị từ 30-50 xe 24 chỗ và trên 24 chỗ để tăng cường ở các tuyến như Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Thanh Hóa. “Hy vọng sẽ không có tình trạng khách bị nhồi nhét”, ông Thành chia sẻ.

Nhưng ông cũng khuyến cáo hành khách nên vào trong bến và mua vé tại quầy để tránh hiện tượng nhồi nhét khách và tăng giá vé của những xe khách tư nhân.