EVFTA thách thức nông sản Việt
EVFTA đối với nông sản Việt Nam không chỉ đơn thuần là cơ hội mà còn dẫn đến thách thức không hề nhỏ
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết cuối tuần qua được đánh giá là cơ hội lớn đối với nhóm nông sản Việt Nam như gạo, đường, thịt lợn, lâm sản, thịt gia súc, gia cầm do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên.
Nói nhiều đến cơ hội song ngành nông nghiệp cũng đề cập đến thách thức phải vượt qua. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong hội thảo sáng 2/7, nhấn mạnh, Việt Nam tham gia hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là EVFTA và CPTPP sẽ khiến thịt lợn bên ngoài thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam.
"Do đó, Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà nếu không tích cực vào cuộc phòng, chống và sớm khống chế dịch tả lợn châu Phi", Bộ trưởng nói.
CPTPP và EVFTA chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu. Vị tư lệnh ngành nông nghiệp nhìn nhận đây là cơ hội nhưng ngược lại cũng rất nhiều thách thức và rủi ro.
Trong đó, cơ hội mở rộng cho thị trường cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hiện nay như: Thủy sản, lâm sản, rau quả, trái cây và các nông sản khác gồm gạo, cà phê, cao su....
Tuy nhiên, cũng sẽ có những thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam, đó là: Các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng lại nâng cao các hàng rào phi thuế quan và kiểm soát nghiêm ngặt hơn; sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn. Các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội.
"Thách thức phải đặt lên hàng đầu, nếu không nỗ lực thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và mất ngay thị trường sân nhà Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết và nói thêm rằng, cần nhận diện thật rõ hội nhập, tổ chức lại chuỗi ở tất cả các khu vực. Hoàn thiện thể chế, chuyển đổi phương thức, hệ thống kinh tế, liên kết chất lượng sản phẩm.
"Để tận dụng được các lợi thế, cơ hội và khắc phục những khó khăn nêu trên, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP và EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa…", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính chung 5 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 22,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 17 tỷ USD tăng nhẹ 0,6%, còn nhập khẩu đạt 5,8%, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2018, một số ngành hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang EU là hàng dệt may đạt 4,16 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2017. Tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,47 tỷ USD, tăng 18,6%.
Riêng mặt hàng nông sản chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 2,73 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2017. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU chiếm đến 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, để thúc đẩy xuất khẩu sang EU trong thời gian tới, 6 tháng đầu năm 2019, Bộ đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn rào cản an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu các sản phẩm trái cây, rau, gạo, chè; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường Châu Âu.