11:16 21/11/2020

Giá dầu giữ đà tăng 3 tuần liên tiếp

Diệp Vũ

Bước tiến về vaccine phòng Covid-19 là nhân tố hỗ trợ chủ đạo cho giá dầu trong tuần này

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (20/11), hoàn tất tuần tăng thứ ba liên tục, nhờ kết quả thử nghiệm khả quan một số vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, sức ép giảm giá đối với "vàng đen" vẫn còn đó, khi phong tỏa tái áp tại nhiều quốc gia khiến các hoạt động kinh tế bị gián đoạn.

"Giá dầu tuần này bị giằng co giữa những yếu tố tác động trái chiều", nhà phân tích Lukman Otunuga thuộc FXTM nói với trang MarketWatch.

Lúc đóng cửa phiên cuối của tuần, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,59 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, đạt 44,79 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 12 tăng 0,41 USD/thùng, tương đương tăng 0,98%, đạt 42,15 USD/thùng.

Tính cả tuần, dầu Brent và WTI tăng giá hơn 4% mỗi loại.

Bước tiến về vaccine phòng Covid-19 là nhân tố hỗ trợ chủ đạo cho giá dầu trong tuần này.

Trong diễn biến mới nhất, hãng dược phẩm Pfizer ngày 20/11 cho biết đã nộp hồ sơ lên Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin phê chuẩn để vaccine Covid-19 của hãng được tiêm khẩn cấp. Đây là lần đầu tiên một vaccine Covid-19 được xin cấp phép tại Mỹ. Động thái xin cấp phép diễn ra sau khi Pfizer công bố kết quả kiểm nghiệm cuối cùng cho thấy vacinne này đạt hiệu quả 95%.

"Nỗi lo về nhu cầu, nhân tố gây áp lực giảm giá dầu từ đầu năm tới nay, đang dần nhường chỗ cho hy vọng về sự phục hồi kinh tế, một phần nhờ khả năng vaccine sớm được triển khai", một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.

Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi hy vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, sẽ duy trì mức hạn chế sản lượng khai thác.

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong cuộc họp vào ngày 30/11-1/12, OPEC+ sẽ xem xét giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay thêm ít nhất 3 tháng nữa kể từ tháng 1, thay vì thu hẹp còn 5,7 triệu thùng/ngày như dự kiến ban đầu.

Theo ngân hàng SEB, dự báo về việc OPEC+ duy trì mức cắt giảm sản lượng hiện tại đến hết quý 1/2021 có thể đã được phản ánh vào mức giá 44 USD/thùng của dầu Brent vào ngày thứ Sáu.

Phiên này, giá dầu còn được hỗ trợ bởi tín hiệu dịch chuyển của một gói kích cầu kinh tế mới ở Mỹ. Nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, đã nhất trí nối lại cuộc thảo luận về gói kích cầu mới, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục lập kỷ lục ở Mỹ khiến nhiều thành phố phải phong tỏa để chống dịch.

Trong tuần, đồng USD xuống giá cũng là một nhân tố giúp giá dầu tăng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,4% cả tuần.

Dù vậy, mối lo về sự dư thừa nguồn cung tiếp tục gây sức ép lên giá dầu, khi quốc gia Trung Đông Libya nâng sản lượng khai thác lên ngưỡng 1,25 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ dầu cũng đang ảm đạm do đại dịch. Theo hãng tin CNBC, số ca nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ bình quân mỗi ngày trong 7 ngày trở lại đây là 165.029, tăng 24% so với cách đây 1 tuần. Riêng trong ngày thứ Năm, nước này có 187.833 ca nhiễm mới.

Số ca nhiễm mới lập kỷ lục ở Mỹ dẫn tới việc đóng cửa một loạt trường học và cơ sở kinh doanh, nhiều thành phố phải áp dụng giới nghiêm và tăng cường giãn cách xã hội. Nhiều thành phố ở châu Âu gần đây cũng phải phong tỏa vì virus lây lan nhanh.

Ông Otunuga cho rằng trong những phiên sắp tới, giá dầu sẽ bị chi phố chủ yếu bởi các diễn biến liên quan đến vaccine Covid-19 và tình hình dịch bệnh trên toàn cầu, đặc biệt là Mỹ. "Trong trung hạn, giá dầu sẽ chịu tác động nhiều bởi kết quả cuộc họp tới của OPEC+", ông nói.