Giá dầu tăng 8% tuần này sau quyết định cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đạt mức cao nhất gần 1 năm trong phiên ngày thứ Sáu (8/1) và chốt tuần với mức tăng khoảng 8%
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đạt mức cao nhất gần 1 năm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/1) và chốt tuần với mức tăng khoảng 8%, nhờ cam kết cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và đà tăng điểm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ.
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,61 USD/thùng, tương đương tăng 3%, đạt 55,99 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New Yor tăng 1,41 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở 52,24 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 8,1%, còn giá dầu WTI tăng 7,7% - hãng tin Reuters cho hay.
Tuần này, Saudi Arabia hứa tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác dầu thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3, trong khi hầu hết các thành viên khác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, cam kết giữ nguyên sản lượng ở mức hiện tại để ứng phó với áp lực giảm nhu cầu tiêu thụ dầu từ làn sóng Covid-19 mới.
Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, mâu thuẫn với một số nhà sản xuất khác trong liên minh OPEC+ khi những nước này muốn tăng sản lượng để ngăn các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ chiếm thị phần. Cuối cùng, thỏa thuận đạt được cho Nga và một số nước khác tăng sản lượng, một số nước giữ nguyên sản lượng, và Saudi Arabia tự nguyện giảm.
"Tuần này, Saudi Arabia đã đứng lên giành lấy vai trò bình ổn giá dầu", nhà phân tích John Kilduff thuộc Again Capital ở New York phát biểu. "Có vẻ như một lần nữa họ nắm lấy sứ mệnh nâng đỡ giá dầu".
Tại Mỹ, số giàn khoan dầu hoạt động tăng tuần thứ 7 liên tiếp trong tuần này, thêm 275 giàn, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 - theo dữ liệu của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes.
Giới phân tích cho rằng giá dầu có thể trải qua một đợt điều chỉnh trong mấy tháng tới nếu nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu tiếp tục bị kìm hãm bởi đại dịch. Những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt về đi lại và các hoạt động kinh tế khác trên toàn cầu để chống virus đang gây ra áp lực lên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, phủ bóng lên triển vọng phục hồi nhu cầu năng lượng trong nửa đầu năm nay.
Tuần này, số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ lên mức cao chưa từng thấy, bình quân hơn 4.000 ca mỗi ngày. Trung Quốc cũng báo số ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh nhất trong hơn 5 tháng. Nhật Bản đã tiến hành phong tỏa thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tăng điểm mạnh, với chứng khoán Nhật và Mỹ cùng đạt kỷ lục, do giới đầu tư tin rằng các chính phủ sẽ tung thêm các biện pháp kích cầu mới. Đà tăng điểm của thị trường chứng khoán hỗ trợ không nhỏ cho giá dầu, theo giới phân tích.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố một kế hoạch kích cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD vào ngày thứ Năm tuần tới. Kế hoạch này nhiều khả năng sẽ dễ dàng được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, bởi Đảng Dân chủ của ông Biden hiện đã nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện sau cuộc bầu cử phụ ở bang Georgia hôm 5/1.