08:51 25/10/2019

Giá dầu tăng ba phiên liên tiếp

Thăng Điệp

Tồn kho dầu Mỹ giảm và khả năng OPEC+ hạ thêm sản lượng tiếp tục hỗ trợ giá dầu

Một công nhân ngành dầu lửa ở Texas, Mỹ - Ảnh: Reuters/CNBC.
Một công nhân ngành dầu lửa ở Texas, Mỹ - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, nhờ số liệu cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm và khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giảm sản lượng sâu hơn.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 12 tại thị trường London tăng 0,55 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, đạt 61,74 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao tháng 12 tăng 0,26 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, đạt 56,23 USD/thùng.

Trong phiên ngày thứ Tư, giá dầu Brent tăng 2,5% và giá dầu WTI tăng 2,8%. Mức giá chốt phiên ngày thứ Năm của cả hai loại dầu đều cao nhất trong khoảng 1 tháng.

Báo cáo hàng tuần do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của nước này bất ngờ giảm 1,7 triệu thùng trong tuần trước. Sự sụt giảm dự trữ dầu trái ngược với dự báo tăng của giới phân tích và chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp trước đó.

"Chất xúc tác cho sự đi lên của giá dầu trong tuần chắc chắn là báo cáo của EIA", ông Manish Raj, Giám đốc tài chính thuộc Velandera Energy, nhận định với trang MarketWatch.

Ngoài ra, tuần này còn có thông tin nói rằng OPEC và đồng minh gồm Nga, hay còn gọi là nhóm OPEC+, có thể giảm sản lượng nhiều hơn mức 1,2 triệu thùng/ngày mà nhóm đang thực thi hiện nay. Nếu có, một quyết định như vậy sẽ được OPEC+ đưa ra trong cuộc họp vào đầu tháng 12.

Nhờ nỗ lực hạn chế khai thác của OPEC+ mà giá dầu Brent đã tăng 14% trong năm nay.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang lo ngại về triển vọng suy giảm của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Thương chiến Mỹ-Trung chưa có hồi kết đặt ra nhiều nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, theo đó gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang ở mức cao, cho dù hai nước đang đàm phán nhằm ký kết một thỏa thuận thương mại một phần.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 24/10 có bài phát biểu chính sách quan trọng về Trung Quốc lần thứ hai chỉ trong vòng một năm. Trong bài phát biểu này, ông Pence cáo buộc Trung Quốc hạn chế các quyền tự do ở Hồng Kông, nhưng khẳng định Mỹ không muốn đối đầu hay tìm cách "phân ly" kinh tế với Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia kinh tế do hãng tin Reuters tiến hành cho thấy việc thương chiến Mỹ-Trung ngừng leo thang gần đây không hề là một bước ngoặt kinh tế và cũng không có tác dụng giảm bớt nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 2 năm tới.

Trong một dấu hiệu mới nhất về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, số việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân ở Mỹ trong tháng 10 lần đầu tiên giảm trong 6 năm - một cuộc khảo sát khác cho thấy.