08:58 14/12/2018

Giá dầu tăng mạnh vì Saudi Arabia có thể giảm bán dầu cho Mỹ

Diệp Vũ

Giá dầu thế giới tăng mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi có tin Saudi Arabia có dự định giảm bán dầu cho Mỹ

Giá dầu thô đã giảm 30% kể từ mức đỉnh của 4 năm thiết lập vào đầu tháng 10 - Ảnh: Getty/MarketWatch.
Giá dầu thô đã giảm 30% kể từ mức đỉnh của 4 năm thiết lập vào đầu tháng 10 - Ảnh: Getty/MarketWatch.

Giá dầu thế giới tăng mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi có tin Saudi Arabia có dự định cắt giảm lượng dầu bán cho các nhà máy lọc hóa ở Mỹ nhằm tránh việc tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục tăng mạnh.

Theo trang MarketWatch, thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga đạt được vào đầu tháng này đã bắt đầu có tác dụng nâng đỡ giá dầu. Ngoài ra, dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm xuống trong tuần trước cũng hỗ trợ giá dầu phiên này.

Giá dầu tiếp tục được đẩy lên khi một bản tin của hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin nói rằng công ty dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco cảnh báo các nhà máy lọc dầu ở Mỹ nên chuẩn bị trước cho việc lượng dầu nhập từ Saudi Arabia sẽ giảm mạnh từ tháng tới.

Với những nhân tố hỗ trợ này, giá dầu thô WTI giao sau ở New York tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở 52,58 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 1,3 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt ở 61,45 USD/thùng.

"Tin về việc Saudi Arabia giảm xuất khẩu dầu sang Mỹ là một chất xúc tác chủ lực đưa giá dầu tăng ngày hôm nay", ông Tyler Richey, biên tập trang tin Sevens Report, phát biểu. "Nếu xuất khẩu dầu của nước này giảm, thì sự mất cân bằng cung-cầu dầu toàn cầu có thể dịch chuyển theo hướng có lợi cho các nhà đầu cơ giá lên".

Mặc dù vậy, áp lực giảm giá dầu vẫn còn ở thời điểm hiện nay. Trong báo cáo hàng tháng ra ngày 13/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng dầu thô của OPEC tăng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 11, đạt mức 33,03 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, tăng sản lượng thêm 410.000 thùng/ngày trong tháng 11, đạt mức kỷ lục 11,06 triệu thùng/ngày.

Báo cáo của IEA có một số điểm trái ngược so với báo cáo hàng tháng của OPEC. Công bố hôm 12/12, OPEC nói rằng sản lượng dầu tháng 11 của khối này giảm nhẹ, bất chấp sản lượng dầu của Saudi Arabia tăng mạnh.

Cả hai báo cáo trên được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi OPEC và đối tác gồm Nga nhất trí giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1 năm tới. OPEC sẽ giảm sản lượng 800.000 thùng/ngày, còn Nga và 9 đồng minh khác sẽ chịu trách nhiệm phần còn lại. Quyết định này của OPEC và đồng minh được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô giảm 30% kể từ mức đỉnh của 4 năm thiết lập vào đầu tháng 10..

Một bản tin của Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Bộ Năng lượng Iran, ông Bijan Zanganeh, nói có nhiều bất đồng chính trị trong OPEC, cho dù khối này đạt thỏa thuận giảm sản lượng dầu. Thông tin này khiến thị trường lo ngại về khả năng các thành viên OPEC tuân thủ nghiêm túc kế hoạch giảm sản lượng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thuộc ngân hàng Commerzbank vẫn kỳ vọng phần lớn kế hoạch này sẽ được tuân thủ, làm giảm tình trạng dư cung dầu, và sẽ giúp dầu thô vững giá hơn. "Chúng tôi dự báo giá dầu Brent đạt mức 70 USD/thùng vào cuối năm 2019 và có thể giữ mốc giá này cho tới hết năm 2020", một báo cáo của Commerzbank viết.