07:45 24/08/2021

Giá dầu tăng vọt gần 6%, chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp

Điệp Vũ

Phiên tăng này là một cú đảo ngược của diễn biến giá dầu trong tuần trước - khi giá dầu WTI và Brent cùng “bốc hơi” gần 9%...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (23/8), chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp trước đó, nhờ đồng USD tụt giá và niềm tin của giới đầu tư rằng đợt bán tháo gần đây đã quá đà.

“Thông tin Trung Quốc không còn ca nhiễm mới Covid-19 chắc chắn đã hỗ trợ thị trường, vì đó giống như một tia sáng cuối đường hầm trong cuộc khủng hoảng Covid. Thông tin này thổi một luồng sinh khí mới vào bức tranh nhu cầu tiêu thụ năng lượng”, một báo cáo của Blue Line Futures được hãng tin CNBC trích dẫn. “Ngoài ra, đồng USD đã tụt khỏi đỉnh, nên toàn thị trường hàng hoá cơ bản được hỗ trợ”.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 3,5 USD/thùng, tương đương tăng 5,6%, đạt 65,64 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI tăng hơn 6%, mức tăng mạnh nhất trong một phiên kể từ tháng 11 năm ngoái.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,57 USD/thùng, tương đương tăng 5,48%, chốt ở 68,75 USD/thùng.

Phiên tăng này là một cú đảo ngược của diễn biến giá dầu trong tuần trước. Giá dầu WTI và Brent cùng “bốc hơi” gần 9% trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm tồi tệ nhất từ tháng 10/2020 và là tuần giảm thứ hai trong vòng 3 tuần trở lại đây.

Giá dầu WTI đã kết thúc phiên ngày thứ Sáu ở mức thấp nhất trong 3 tháng. Chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp của giá cả hai loại dầu tính đến phiên ngày thứ Sáu là chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ năm 2019.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Đợt sụt giảm chóng mặt vừa rồi của giá dầu là do lo ngại nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ giảm tốc do biến chủng Delta của Covid-19 lây lan mạnh. Nhiều quốc gia như Nhật Bản và New Zealand đã phải phong toả để chống dịch. Một số dữ liệu ảm đạm gần đây của kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng gây thêm áp lực giảm lên giá dầu. Chưa kể, tồn kho xăng ở Mỹ gần đây tăng và sản lượng của các công ty dầu khí nước này cũng tăng.

Tuy nhiên, trong phiên ngày thứ Hai, giới đầu tư cho rằng đợt bán tháo đã diễn ra quá đà và giờ là lúc không thể tốt hơn để bắt đáy.

“Chúng tôi thấy rằng giá dầu đã giảm quá mức và tin rằng việc đó liên quan nhiều hơn đến tâm lý thị trường, thay vì xuất phát từ tình trạng xấu đi của các yếu tố kinh tế nền tảng”, một báo cáo của Commerzbank nhận định.

Cổ phiếu năng lượng ở Phố Wall tăng mạnh theo giá dầu trong phiên đầu tuần. Với mức tăng hơn 3%, năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số S&P 500. Trong đó, phải kể đến những cổ phiếu như Diamondback và Occidental với mức tăng hơn 6% mỗi cổ phiếu, APA tăng hơn 5%...

Tuần trước, cổ phiếu năng lượng giảm 7% và đến nay chưa thể lấy lại vị trí nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ năm nay. Trong nửa đầu năm, cổ phiếu năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất ở Phố Wall. Những tuần gần đây, nhóm này tụt xuống vị trí thứ tư, sau các nhóm tài chính, bất động sản và dịch vụ truyền thông.