09:58 16/08/2013

Giá dầu tiếp tục tăng trước căng thẳng leo thang ở Ai Cập

Thanh Hải

Ai Cập có vai trò rất quan trọng trong tuyến vận chuyển dầu thô qua kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu Suez - Địa Trung Hải

Theo công bố chính thức của Bộ Y tế Ai Cập, đã có ít nhất 525 người thiệt mạng và 3.572 người bị thương trong ngày 14/8 - Ảnh: Mosa'ab Elshamy.<br>
Theo công bố chính thức của Bộ Y tế Ai Cập, đã có ít nhất 525 người thiệt mạng và 3.572 người bị thương trong ngày 14/8 - Ảnh: Mosa'ab Elshamy.<br>
Phiên giao dịch hàng hóa năng lượng đêm qua (15/8), dầu thô hợp đồng kỳ hạn xác lập ngày tăng giá thứ 5 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 2 tuần qua, do chịu ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn ở Ai Cập.

Theo các hãng tin quốc tế, tình hình bất ổn tại Ai Cập vẫn đang có chiều hướng leo thang sau vụ "thảm sát" ngày 14/8, bất chấp việc chính phủ lâm thời ở nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp và thiết lập lệnh giới nghiêm tại thủ đô Cairo cùng 13 tỉnh thành khác.

Hôm qua, người biểu tình ủng hộ cựu tổng thống Mohamed Morsi đã xông vào và đốt phá tòa nhà chính quyền tại Giza, trong khi đó tại thành phố cảng Alexandria, hàng trăm người xuống đường tuần hành nhằm phản đối đàn áp bạo lực hôm 14/8 tại thủ đô Cairo.

Theo công bố chính thức của Bộ Y tế Ai Cập, đã có ít nhất 525 người thiệt mạng và 3.572 người bị thương trong ngày 14/8, khi các lực lượng an ninh Ai Cập tiến hành giải tỏa những người biểu tình ủng hộ tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tại thủ đô Cairo.

Diễn biến căng thẳng tại Ai Cập không chỉ khiến cả cộng đồng quốc tế lên án, mà còn gây ra cơn bão lớn trên khắp thị trường năng lượng quốc tế, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng ảnh hưởng tới việc cung ứng dầu mỏ tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Mặc dù Ai Cập không phải là nước sản xuất dầu quan trọng, nhưng nước này lại đóng một vai trò rất quan trọng trong tuyến vận chuyển dầu thô qua kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu Suez - Địa Trung Hải. Do đó, sức ảnh hưởng của nước Ai Cập không hề nhỏ.

Trước tình huống như vậy, giá dầu thô giao sau tại Mỹ tiếp tục được nâng giá, nhưng đà tăng cũng chững lại một phần bởi số liệu sản xuất tháng 7 đáng thất vọng ở Mỹ. Cụ thể, sản lượng công nghiệp tháng 7 của Mỹ không thay đổi so với mức trong tháng 6 trước đó.

Chốt phiên giao dịch ngày 15/8, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 9 tại sàn hàng hóa New York tăng được 48 cent, tương ứng với mức 0,5%, lên 107,33 USD mỗi thùng, cao nhất kể từ ngày 1/8 cho tới nay. Trong 4 phiên giao dịch trước đó, giá dầu đã tăng hơn 3%.

Tại sàn hàng hóa London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc tăng 91 cent, tương ứng với 0,8%, lên 111,11 USD mỗi thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 3/4, giá dầu Brent vượt qua ngưỡng 110 USD. Dầu Brent giao tháng 10 tăng 78 cent lên 109,60 USD/ thùng.

Cũng trên sàn hàng hóa New York, kết thúc phiên 15/8, giá xăng tháng 9 nhích nhẹ lên 2,985 USD/gallon, trong khi giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn tăng 2,5 cent lên 3,07 USD/gallon. Giá khí tự nhiên cùng kỳ hạn tăng gần 8 cent lên chốt ở mức 3,42 USD/ triệu BTU.