Giá lợn hơi khó về đỉnh, lạm phát được duy trì tốt quanh mức 4-4,5% cả năm 2023?
Chứng khoán KBSV kỳ vọng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt quanh ngưỡng 4-4,5% cho cả năm 2023...
Mặc dù xuất hiện các yếu tố rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2023, nhưng Chứng khoán KBSV kỳ vọng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt quanh ngưỡng 4-4,5% cho cả năm 2023.
Kỳ vọng được dựa trên dự báo giá thịt lợn có thể tăng lên mức 60.000 – 65.000 VND/kg khi nhu cầu ăn uống nhà hàng, quán ăn, khu du lịch phục hồi so với giai đoạn 2019 -2021, nhưng mức tăng sẽ không quá lớn nhờ việc nguồn cung thịt lợn trong nước đang khôi phục trở lại khi dịch tả heo Châu Phi dần được kiểm soát và giá thịt lợn đã tăng lên dù vẫn ở mức thấp.
Cụ thể, theo Tổng cục thống kê ước tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022 tổng số lợn cả nước đã tăng 11,4% so với cùng kỳ và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4.425,1 nghìn tấn, tăng 5,9%, và Cục chăn nuôi đặt mục tiêu cho năm 2023 tốc độ tăng giá trị sản xuất sẽ đạt 3,5 – 4%.
Do vậy, giá thịt lợn khó có thể về mốc đỉnh năm 2019 - 2020 nhờ việc Chính Phủ luôn ưu tiên tăng cường nguồn cung trong nước, kết hợp nhiều giải pháp kiểm soát dịch bệnh, quyết liệt chính sách chống đầu cơ, thao túng giá để đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục đi ngang hoặc giảm nhẹ nhờ nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép đã hạ nhiệt, ngành thép vẫn đang trong chu kỳ xuống của ngành; Nhu cầu tiêu thụ thép gặp thách thức lớn trong 2023 khi thị trường bất động sản gặp khó khăn ảnh hưởng đến nguồn cung dự án mới; và Tồn kho tại các doanh nghiệp thép hiện vẫn còn nhiều sẽ là yếu tố quan trọng có thể giúp kìm hãm bớt đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng tại nhóm điện nước, nhà ở và vật liệu xây dựng.
Xét về áp lực lạm phát từ chính sách tiền tệ cũng thấy chưa đáng lo ngại. Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt nhằm ổn định lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, theo thứ tự ưu tiên, sẽ giúp không tạo áp lực quá lớn lên lạm phát.
Cụ thể, đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước nỗ lực ổn định tỷ giá trong bối cảnh DXY tăng mạnh, đã giúp giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng tiêu cực của việc nhập khẩu lạm phát lên nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước bán 1 lượng lớn USD (ước tính khoảng 25 tỷ USD) khiến tốc độ tăng trưởng M2 trong năm 2022 thấp kỷ lục đạt 4%, kết hợp với vòng quay tiền ở mức thấp khoảng 0,7 vòng vào cuối năm 2022 (ở Mỹ vòng quay tiền M2 đạt từ 1,7 – 2,1 vòng/năm), cho thấy chính sách tiền tệ không gây áp lực lên lạm phát.
Tuy nhiên, có ít nhất ba yếu tố gây tác động rủi ro lên lạm phát. Thứ nhất, trong năm 2023, KBSV kỳ vọng giá dầu Brent có thể tăng bật trở lại trong ngắn hạn rồi sẽ duy trì quanh mốc 90 USD/thùng do: (1) Căng thẳng giữa NgaUkraina chưa đi vào hồi kết; (2) Nguồn cung bị thiếu hụt trong bối cảnh các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu và áp giá trần với dầu đến từ Nga của phương Tây.
Thêm vào đó, OPEC+ tiếp tục giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng của mình khi rủi ro suy thoái toàn cầu tăng cao; và (3) Nhu cầu tiêu thụ dầu có thể phục hồi mạnh khi Trung Quốc mở cửa trở lại, theo Bloomberg ước tính nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, giá năng lượng đứng trước nguy cơ tăng thêm 20%.
Tuy nhiên, trong thời gian qua Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga, Saudi Arabia khi mà các nước phương Tây triển khai các biện pháp trừng phạt, sẽ giúp bù đắp phần nhu cầu tăng thêm, nhất là khi Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu năng lượng quốc doanh của nước này ngừng việc bán lại LNG cho khách hàng nước ngoài.
Thứ hai, KBSV kì vọng việc Chính Phủ sẽ luôn ưu tiên bình ổn giá xăng dầu trong nước thông qua việc có thể xem xét giảm các loại thuế trên giá bán đầu ra nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu đề xuất tăng giá điện của EVN để xây dựng lộ trình tăng hợp lý trong năm 2023 sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát (theo GSO ước tính giá điện tăng 10% thì sẽ tác động vào CPI là 0.33 điểm phần).
Bên cạnh đó, nhiều chính sách giảm thuế hết hiệu lực sẽ khiến giá hàng hóa tăng theo. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất chế biến chế tạo, nên việc VND giảm giá mạnh tháng 9 và 10/2022 sẽ tạo áp lực lớn lạm phát ngay từ quý 1/2023.
Tính chung cả năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8.56% YoY (riêng quý 4 tăng 1.97% YoY), trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 9.74% YoY); nhóm nhiên liệu tăng 35.51 YoY%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo tăng 7.41% YoY (biểu đồ 55 &56).