10:20 05/09/2007

Gia nhập WTO: Đánh giá những tác động

Thùy Trang

Đánh giá bước đầu về tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO và những khuyến nghị nhằm tận dụng tốt nhất những cơ hội mà WTO đem lại

"Nhóm hàng nông, lâm và thuỷ sản, về cơ bản, cơ cấu hàng xuất khẩu theo định hướng của Chính phủ đến năm 2010 đã khá hợp lý."
"Nhóm hàng nông, lâm và thuỷ sản, về cơ bản, cơ cấu hàng xuất khẩu theo định hướng của Chính phủ đến năm 2010 đã khá hợp lý."
Gia nhập WTO, Việt Nam đã chấp nhận thực hiện các cam kết mở cửa thị trường và các quy định, luật lệ WTO. Tuy nhiên, do mức độ cam kết cũng như khả năng cạnh tranh khác nhau nên cơ hội và thách thức đối với từng nhóm hàng hoá và từng ngành dịch vụ của Việt Nam khác nhau.

Đánh giá tác động của việc gia nhập nhằm đưa ra các khuyến nghị đang là yêu cầu bức thiết hiện nay. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả những kết quả đánh giá bước đầu của các chuyên gia trong nước và chuyên gia tư vấn quốc tế trong lĩnh vực hội nhập về tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO, cũng như những khuyến nghị của họ nhằm tận dụng tốt nhất những cơ hội mà WTO đem lại.

Do vấn đề được đề cập trong khuôn khổ một số báo nên những ý kiến được giới thiệu chỉ phản ánh ở một số khía cạnh tác động liên quan đến cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, môi trường thương mại, các quy định về kinh tế phi thị trường, về an toàn thực phẩm.

Gia tăng xuất khẩu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh

(Ông Vũ Bá Phú, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương)

"Với tư cách là thành viên của WTO, hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn chủ yếu là do những hỗ trợ trực tiếp có tính trợ cấp của Chính phủ sẽ phải hạn chế sử dụng. Vì vậy, cơ cấu hàng xuất và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam phải chuyển dịch trên định hướng của Chính phủ, lợi thế so sánh, nhu cầu của thị trường thế giới và xu hướng dịch chuyển sản xuất giữa các khu vực trên thế giới.

Dựa vào những căn cứ đã nêu ở trên, trong giai đoạn đến 2010, cần có những chính sách tập trung phát triển xuất khẩu những hàng hoá và dịch vụ như sau. Đối với nhóm hàng hoá sản phẩm công nghiệp và chế biến cần tập trung nâng cao kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm dưới đây:

Sản phẩm điện tử và máy tính là nhóm sản phẩm có thể sản xuất với quy mô lớn, tận dụng nguồn nhân lực dồi dào có chi phí thấp nhưng đáp ứng được yêu cầu của ngành để phục vụ xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm trong nhóm này cũng cần tập trung vào các sản phẩm tinh vi, có hàm lượng giá trị tăng và giá trị xuất khẩu cao như: chip điện tử, màn hình tinh thể lỏng, tivi plasma... Để sản xuất ra các sản phẩm này đòi hỏi các dự án phải có vốn đầu tư lớn, máy móc thiết bị hiện đại, vì vậy để thực hiện định hướng này đòi hỏi phải dựa vào các dự án vốn FDI.

Sản phẩm dệt may, da giày là sản phẩm Việt Nam có thể thực hiện được các đơn hàng đòi hỏi mức độ tinh xảo cao. Chính vì vậy cơ cấu của nhóm sản phẩm này cần chuyển sang tập trung vào khâu thiết kế, các đơn hàng giá FOB và phát triển các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu ở trong nước để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

Cần phát triển đồ nội thất, dụng cụ nhà bếp, cặp, túi xách và các đồ gia dụng khác thuộc nhóm dệt may và giày dép.

Thực phẩm chế biến cần tập trung giải quyết một số hạn chế cơ bản của ngành đó là công nghệ chế biến, PR và marketing cho sản phẩm, và một trong những giải pháp cơ bản đó là thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm xuất khẩu.

Nhóm sản phẩm phần mềm là sản phẩm rất đa dạng từ thiết kế các siêu vi mạch, gói phần mềm ứng dụng chuẩn hoá đến phần mềm kinh doanh theo yêu cầu của khách hàng và phần mềm công nghiệp sử dụng trong các nhà máy... Để kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này được nhanh chóng nâng cao cần cải thiện một số hạn chế hiện nay là ngoại ngữ và trình độ quốc tế hoá của các lập trình viên.

Đối với hàng thủ công mỹ nghệ, trong thời gian ngắn và trung hạn việc lựa chọn sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này là một trong những lựa chọn tối ưu của nước ta. Do vậy, khâu thiết kế và kiểu dáng sản phẩm cần bắt nhịp được nhu cầu của thị trường.

Nhóm hàng nông, lâm và thuỷ sản, về cơ bản, cơ cấu hàng xuất khẩu theo định hướng của Chính phủ đến năm 2010 đã khá hợp lý. Khuyến nghị về chuyển đổi cơ cấu đối với nhóm này chủ yếu là tập trung nâng cao hàm lượng chế biến, đồng thời giảm tối đa hàm lượng xuất khẩu thô đối với nhóm sản phẩm này.

Trong lĩnh vực dịch vụ, căn cứ vào những lợi thế so sánh hiện tại, định hướng phát triển ngành của Chính phủ và lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ với WTO, trong số danh mục định hướng xuất khẩu dịch vụ của Chính phủ, giai đoạn tới cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các dịch vụ sau: vận tải hàng không phấn đấu giai đoạn 2006-2010 đạt kim ngạch xuất khẩu trên 17%/năm. Điều kiện để có thể đạt được mục tiêu đối với ngành dịch vụ này là phải nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng, quảng bá rộng rãi thương hiệu của ngành.

Tương tự như vậy, ngành vận tải biển bên cạnh việc nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu ngành cần phải đảm bảo có một hệ thống kết cấu hạ tầng đủ mạnh với năng lực thông qua cảng lớn. Đối với ngành bưu chính viễn thông để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trên 25%/năm (giai đoạn 2006-2010) cần nâng cao sức cạnh tranh và độ mở của thị trường trong thời gian tới nhằm góp phần thu hút công nghệ mới và giảm giá thành dịch vụ.

Điều kiện để đạt mục tiêu tăng trưởng 15%/năm, đòi hỏi ngành du lịch phải phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành. Bên cạnh đó, cần phát triển được thương hiệu của lĩnh vực du lịch Việt Nam.

Tóm lại, những đề xuất ở trên nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm, dịch vụ mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết WTO và đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới."

Xuất khẩu thuỷ sản với các biện pháp SPS

(Bà Pascale Rouhier, Chuyên gia thương mại quốc tế và phát triển)

"Hiệp định về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (Hiệp định SPS) là một trong những hiệp định quan trọng nhất của WTO. Gia nhập WTO đòi hỏi Việt Nam phải đảm bảo rằng tất cả các quy định, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá hợp chuẩn bảo vệ động thực vật được áp dụng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế vào thời điểm gia nhập, không có bất cứ giai đoạn quá độ nào.

Trong một số trường hợp, Việt Nam đã đưa ra các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế (Codex, FAO/WHO). Việc thực hiện Hiệp định SPS đem lại khả năng cho Việt Nam được viện dẫn cơ quan giải quyết tranh chấp WTO trong trường hợp không tuân thủ Hiệp định SPS, khả năng cho Việt Nam tham gia vào công việc về các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ hội đối với Việt Nam vì tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Tham gia thực hiện các tiêu chuẩn góp phần cụ thể hoá thông tin kỹ thuật và khoa học có giá trị liên quan đến các sản phẩm và quá trình sản xuất, do đó tạo thuận lợi cho chuyển giao kiến thức kỹ thuật và khoa học. Việc chuyển giao bí quyết sản xuất và kinh nghiệm quý có thể làm giảm chi phí tiêu chuẩn hoá. Áp dụng tiêu chuẩn còn thúc đẩy tính hiệu quả của sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào thương mại quốc tế bằng việc giảm tính không tương thích của sản phẩm và các chi phí giao dịch. Việc áp dụng SPS còn làm tăng cường lòng tin của người tiêu dùng, qua đó tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, không phải không có thách thức đặt ra. Đó là Việt Nam phải bỏ ra các khoản chi phí điều chỉnh sản xuất tuân theo các quy định khác so với thị trường trong nước; chi phí thử nghiệm sản phẩm hoặc tiến hành đánh giá hợp chuẩn; chi phí tham gia và các tổ chức quốc tế xây dựng các tiêu chuẩn. Chẳng hạn như để tham gia vào Uỷ ban an toàn thực phẩm đòi hỏi Việt Nam phải có được nguồn tài chính và nhân lực cần thiết để tham gia hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn sản phẩm.

Một thách thức khác nữa là hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu các biện pháp kiểm tra tại thị trường nhập khẩu. Bằng chứng là năm 2001, EU đã áp dụng biện pháp kiểm tra 100% tại biên giới đối với tôm được nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia sau khi phát hiện thấy dư lượng thuốc kháng sinh bị cấm trong tôm nhập khẩu. Các biện pháp EU áp dụng rất đa dạng từ tiêu huỷ đến gửi trả lại nước xuất khẩu. Hậu quả là làm lỗ nặng cho cả nhà nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Doanh thu xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong 6 tháng đầu năm 2002 giảm 87% so với cùng kỳ năm 2001.

Các biện pháp SPS là một thách thức, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất quy mô nhỏ trong lĩnh vực thuỷ sản, gắn với thị trường chỉ bằng chuỗi thị trường nhỏ lẻ. Các biện pháp SPS phải được thực hiện để đảm bảo Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh trong thị trường quốc tế. Các biện pháp SPS có thể trở thành một cơ hội: lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nhà xuất khẩu khác.

Cơ hội trong tương lai có thể đạt được thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRA) với EU. Cấp giấy chứng nhận nuôi trồng tôm sẽ trở thành phổ biến trên thế giới, đáp ứng lo ngại của các các tổ chức phi chính phủ (NGO) và người tiêu dùng về khả năng tồn tại của các trang trại nuôi tôm. Trong tương lai trung và dài hạn, vấn đề nhận thức về môi trường và xã hội tại các nước nhập khẩu nâng cao."

Quy chế NME trong cam kết WTO của Việt Nam

(Ông Nguyễn Sơn, Phó chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế)

"Vấn đề kinh tế phi thị trường (NME) là một thực tế đang tồn tại trong WTO mà Việt Nam, Trung Quốc và các nước bị coi là kinh tế phi thị trường khác phải chấp nhận và đối phó như một thách thức của hội nhập.

Để đối phó với NME, có thể có 3 cách tiếp cận: chấp nhận những thách thức mà một nước bị coi là kinh tế phi thị trường sẽ phải đối mặt khi tham gia thương mại quốc tế, đặc biệt trong quan hệ thương mại với những nước thường xuyên sử dụng công cụ chống bán phá giá. Xác định rõ những khó khăn có thể sẽ gặp phải khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế để chuẩn bị sẵn các giải pháp đối phó; đẩy mạnh cải cách theo định hướng thị trường.

Đồng thời tích cực vận động các thành viên WTO sớm công nhận quy chế thị trường và không áp dụng điều khoản trong Nghị định thư gia nhập WTO về kinh tế phi thị trường; với tư cách thành viên WTO, yêu cầu xem xét lại và sửa đổi các điều khoản liên quan kinh tế phi thị trường trong Hiệp định Chống bán phá của WTO.

Trong 3 phương án trên, phương án đầu tiên mang tính ngắn hạn và thiên về các giải pháp ở cấp độ doanh nghiệp. Hai phương án còn lại mang tính dài hạn hơn và phải thực hiện ở cấp độ quốc gia. Trên cơ sở 3 phương án tiếp cận đối vấn đề NME, có 3 khuyến nghị cụ thể đối với doanh nghiệp.

Thứ nhất, tăng cường phối hợp thông qua các hiệp hội ngành hàng. Vai trò của các hiệp hội trong đối phó và giải quyết các tranh chấp liên quan tới giá thể hiện ở hai góc độ: hạn chế nguy cơ xảy ra tranh chấp và phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết tranh chấp. Đối với các nước kinh tế phi thị trường, việc tránh để xảy ra các vụ kiện bán phá giá là hết sức quan trọng. Việc sử dụng giá nước thứ ba để tính các chi phí đầu vào không phản ánh đúng thực tế thị trường, các lợi thế cạnh tranh riêng của từng quốc gia và dẫn đến bóp méo giá thành sản phẩm.

Do đó, một khi khiếu kiện xảy ra thì việc điều tra gần như chắc chắn sẽ đưa đến kết luận các doanh nghiệp bán phá giá và các mức thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng. Thông qua các hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phối hợp để tránh tình trạng tranh nhau hợp đồng dẫn đến hạ giá bán hoặc thoả thuận lượng xuất khẩu để không tạo biến động lớn trên thị trường.

Khi nhận định khả năng bùng phát khiếu kiện, các hiệp hội có thể yêu cầu đàm phán với hiệp hội ngành hàng phía đối tác để chủ động tìm giải pháp nhằm tránh nguy cơ trở thành bị đơn (thoả thuận kiềm chế lượng hàng hoá xuất khẩu, định giá sàn...).

Khi các doanh nghiệp tại một nước NME trở thành bị đơn của kiện bán phá giá, việc điều tra thường được tiến hành ở một loạt doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng tương tự. Các hiệp hội sẽ giữ vai trò phối hợp hoạt động giữa các doanh nghiệp đồng thời là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước để chứng minh tính chất thị trường trong hoạt động của doanh nghiệp, hạn chế tối đa tổn thất.

Thứ hai, doanh nghiệp cần nắm vững và vận dụng các quy định về NME của nước nhập khẩu. Cụ thể trong trường hợp thị trường nhập khẩu là EU, luật EU về NME cũng rất đa dạng bao gồm những quy định cho phép dành quy chế thị trường cho một ngành, một doanh nghiệp hoặc cho từng trường hợp cụ thể. Tuỳ từng tình huống cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang EU có thể vận dụng các quy định này để xin quy chế thị trường cho mình trong lúc Việt Nam vẫn đang là NME. Mặc dù việc yêu cầu đãi ngộ thị trường không đơn giản nhưng không phải không thể.

Thứ ba, doanh nghiệp nên duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch để có thể cung cấp đầy đủ, chính xác các dữ liệu cần thiết trong quá trình điều tra."

Những vấn đề đặt ra trong cam kết đa phương

(Ông Trần Hào Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch Đầu tư)

"Khái niệm quyền kinh doanh trong WTO và cam kết cụ thể của Việt Nam được hiểu là quyền hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khái niệm kinh doanh và quyền kinh doanh có phạm vi điều chỉnh rộng hơn rất nhiều. Kinh doanh theo Luật doanh nghiệp được hiểu là việc tiến hành một hoặc nhiều công đoạn của tiến trình đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên trong nguyên tắc WTO và cam kết cụ thể của Việt Nam lại giới hạn quyền kinh doanh trong việc đưa ra các cam kết cụ thể quyền xuất nhập khẩu của nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tiễn áp dụng các hạn chế về quyền kinh doanh theo thông lệ của các nước và quy định của WTO thể hiện ở việc yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân nước ngoài phải có hiện diện thương mại, đầu tư cụ thể tại một nước để thực hiện quyền kinh doanh. Những hạn chế này được thể hiện dưới hình thức như hạn chế các mặt hàng được phép kinh doanh, dành riêng một số mặt hàng nhất định cho doanh nghiệp thương mại nhà nước...

Các doanh nghiệp kêu ca rất nhiều về việc hiểu thế nào về quyền kinh doanh, quyền kinh doanh có bao gồm quyền phân phối các sản phẩm tại Việt Nam hay không. Đây là vấn đề được quy định rõ ràng trong cam kết nhưng các nghị định hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Chính vì vậy, các doanh nghiệp còn lúng túng, các cơ quan nhà nước không hiểu thế nào để thực hiện.

Tiếp đến các quy định về cấp giấy phép hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu tại Nghị định 23 cũng chưa rõ ràng. Trên thực tế cần phải xem xét xem việc quy định về cấp giấy phép có thực sự đáp ứng cam kết về quyền kinh doanh của Việt Nam hay không.

Liên quan đến doanh nghiệp thương mại nhà nước, chúng ta không có cam kết riêng rẽ về doanh nghiệp thương mại nhà nước mà được cam kết tổng thể trong mục các doanh nghiệp nhà nước nói chung. Đây là cam kết rất đặc thù của Việt Nam. Có lẽ chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có cam kết như vậy.

Theo đó, Việt Nam đã mở rộng phạm vi áp dụng cam kết so với quy định tại điều 17 của GATT (quy định các hoạt động của doanh nghiệp thương mại nhà nước) mà không đề cập đến doanh nghiệp nhà nước nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán chúng ta đã phải đưa ra cam kết với phạm vi rộng hơn nhiều. Đó là cam kết tổng thể đối với các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp thương mại nhà nước."

Bảo đảm ổn định chính sách kinh tế vĩ mô

(Ông Ngô Văn Điểm, Chuyên gia nghiên cứu kinh tế)

"Để đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô hậu WTO nhằm tiến tới xoá bỏ mọi hình thức bao cấp, tạo môi trường cho các loại thị trường vận hành đồng bộ, có hiệu quả và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Để làm được điều đó, trước tiên cần xoá bỏ mọi hình thức bao cấp, trong đó có bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường cho mọi loại hàng hoá và dịch vụ.

Đối với những mặt hàng còn áp dụng cơ chế Nhà nước định giá, phải xác định lộ trình thực hiện giá thị trường để các doanh nghiệp tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung và xây dựng những chính sách hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước không trái với các quy định của WTO như phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu - triển khai, phát triển thị trường, đổi mới công nghệ, hỗ trợ vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, cung cấp thông tin.

Song song đó, cần cải cách chính sách thuế theo hướng tăng nguồn thu từ phát triển kinh tế, chuyển nguồn thu chủ yếu từ thuế gián thu sang thuế trực thu. Bảo đảm nuôi dưỡng nguồn thu, công bằng, thống nhất, đơn giản và thuận tiện cho mọi chủ thể kinh doanh. Áp dụng rộng rãi cơ chế “tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm” đối với mọi chủ thể kinh doanh.

Tiếp tục đổi mới chính sách tiền tệ và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất, tỉ giá hối đoái để bảo đảm giá trị đồng tiền, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính cho hệ thống tài chính, ngân hàng và các tổ chức tín dụng trước các cú sốc tỷ giá và lãi suất đến từ bên ngoài.

Một trong những chính sách lớn nhằm bảo vệ những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh trước sự cạnh tranh gay gắt khi thực hiện các cam kết WTO là chính sách bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách này cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng đa dạng hoá chủ sở hữu quỹ, cho các doanh nghiệp, hiệp hội thành lập quỹ và kinh doanh theo cơ chế thị trường; thành lập các ngân hàng chuyên phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhà nước tiếp tục tăng và tập trung đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, bảo đảm kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện phát triển bền vững. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo, tăng cường thể chế và bảo vệ môi trường.

Mở rộng cho các tổ chức kinh tế đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước."