17:37 23/08/2007

Giá tiêu dùng đang dần được kiềm chế?

Hoàng Đạt

Đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có dấu hiệu chậm lại, có phải từ những biện pháp quyết liệt được triển khai?

Nếu duy trì đà tăng hiện nay, mục tiêu kiềm chế CPI thấp hơn tăng trưởng khó hiện thực.
Nếu duy trì đà tăng hiện nay, mục tiêu kiềm chế CPI thấp hơn tăng trưởng khó hiện thực.
Đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có dấu hiệu chậm lại, có phải từ những biện pháp quyết liệt được triển khai?

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố chiều nay (23/8) cho biết mức tăng CPI của tháng 8/2007 là 0,55%, đưa mức tăng chung 8 tháng đầu năm lên 6,78%.

Mức tăng 0,55% thấp hơn dự báo 0,6% của Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra trước đó. Có thể xem đây là kết quả bước đầu của một số các chính sách kiềm chế được triển khai trong thời gian qua.

Nhận định với báo giới về mức tăng trên, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại Giá cả (Tổng cục Thống kê), cũng cho rằng, nhờ sự điều hành quyết liệt về giá cả của Chính phủ, CPI tháng 8 đã được kiểm soát.

Trước hết, về nguyên nhân cung tiền, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai loạt biện pháp hút về trên 82% lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ những tháng đầu năm. Các đoàn thanh tra cũng đã vào cuộc xem xét nguyên nhân tăng giá của một số mặt hàng nóng như thép, gas, sữa… Thuế nhập khẩu một loạt mặt hàng được giảm. Giá xăng cũng đã được điều chỉnh xuống…

Tuy nhiên, hiệu quả của những giải pháp đó trên thực tế chưa thể hiện rõ mà cần có độ trễ nhất định. Một số chuyên gia ước tính đến khoảng tháng 10 trở đi hiệu quả cụ thể mới rõ nét.

Còn trong tháng này, CPI tăng thêm 0,55%, dàn khá đều cho tất cả 10 nhóm trong rổ hàng tính chỉ số giá tiêu dùng. Cụ thể, giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng đầu bảng với +0,88%; trong đó riêng nhóm Thực phẩm tăng 0,92%.

Đứng thứ hai là mức tăng giá của nhóm Dược phẩm – y tế, tăng 0,65%. Thứ ba là nhóm Đồ uống và thuốc lá, tăng 0,5%. Giá các nhóm hàng còn lại có mức tăng từ 0,15% - 0,48%.

Ngoài độ trễ của hiệu quả các giải pháp kiềm chế, trong tháng 8, thiên tai xẩy ra trên diện rộng và gây hậu quả nặng nề tại khu vực miền Trung cũng là một nguyên nhân. Đây cũng là địa bàn có mức tăng CPI theo vùng cao nhất cả nước.

Trong 4 tháng còn lại của năm, nếu CPI tiếp tục duy trì đà tăng như tháng 8 này, nhiều khả năng mục tiêu kiềm chế thấp hơn tốc độ tăng trưởng sẽ không hiện thực; đặc biệt, CPI thường tăng mạnh những tháng cuối năm, khi thị trường vào mùa lễ tết.

Trước khả năng trên, đầu tuần này Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã có chỉ đạo các ban ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm kiềm chế được đà tăng của CPI trong những tháng tới.