Giá vàng miếng sụt 200.000 đồng/lượng, USD tự do vọt lên 23.750 đồng
Giá vàng thế giới đi xuống, kéo giá vàng miếng trong nước tụt khỏi mốc 56 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới giảm trong phiên đêm qua trước khi hồi nhẹ trong phiên sáng nay (23/4), khiến giá vàng miếng trong nước tụt khỏi mốc 56 triệu đồng/lượng. Giá USD thị trường tự do tăng mạnh lên 23.750 đồng, trong khi giá USD niêm yết tại một số ngân hàng thương mại đi xuống.
Lúc gần 11h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,8 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng tại DOJI hiện giảm 200.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,45 triệu đồng/lượng và 55,8 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 210.000 đồng/lượng và 200.000 đồng/lượng so với sáng qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn gần 6 triệu đồng/lượng.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác giảm 200.000-300.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá mua vào là 52,6 triệu đồng/lượng và bán ra là 53,4 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá tương ứng là 52,63 triệu đồng/lượng và 53,23 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 11h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.788,2 USD/oz, tăng 3,3 USD/oz so với đóng cửa đêm qua tại New York. Trong phiên ngày thứ Năm tại Mỹ, giá vàng giảm 9,7 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,5%, còn 1.784,9 USD/oz.
Mức giá hiện tại của vàng thế giới tương đương khoảng 49,85 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Giá vàng thế giới đã trượt khỏi mức đỉnh của 2 tháng thiết lập trong phiên ngày thứ Tư, do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng hồi phục sau mấy phiên liên tiếp giảm. Trước đó, nhờ lợi suất và trái phiếu đi xuống, giá vàng đã lên gần 1.800 USD/oz trong phiên ngày thứ Tư, nhưng không chinh phục được mốc này do đây là một ngưỡng kháng cự mạnh.
"1.800 USD/oz là một ngưỡng kháng cự tâm lý. Bởi vậy, thị trường đã lùi lại một chút… Ngoài ra, đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hồi nhẹ, gây áp lực mất giá lên vàng", nhà phân tích Edward Meir thuộc ED&F Man Capital nói với hãng tin Reuters.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,1% trong phiên ngày thứ Năm, dao động quanh ngưỡng 91,2 điểm trong phiên sáng thứ Sáu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên mức 1,587% trong phiên ngày thứ Năm.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã giảm 6%, chủ yếu do lợi suất tăng. Hồi cuối tháng 3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lập đỉnh 14 tháng trên 1,77%.
Chiến lược gia Bob Haberkorn thuộc RJO Futures nói rằng áp lực giảm giá vàng có thể không duy trì lâu, vì các ngân hàng trung ương đang gom vàng và nhu cầu vàng vật chất đang tăng lên ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong tháng 3, xuất khẩu vàng của Thuỵ Sỹ đạt mức cao nhất 10 tháng nhờ xuất khẩu sang Ấn Độ tăng mạnh. Tuy nhiên, nhu cầu vàng của Ấn Độ có thể giảm sút trong thời gian tới do quốc gia Nam Á này đang đối mặt với một làn sóng Covid-19 cực kỳ nghiêm trọng.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.700 đồng (mua vào) và 23.750 đồng (bán ra), tăng 40 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức tương ứng lần lượt là 22.975 đồng và 23.155 đồng, giảm 10 đồng so với hôm qua.