Giảm điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức
Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an; quân nhân, con thương binh, liệt sĩ… sẽ chỉ được cộng 5 điểm vào kết quả thi vòng 2, thay vì 20 điểm như trước đây
Theo quy định mới, sẽ không còn sự phân biệt giữa bằng chính quy và bằng tại chức, văn bằng 2, bằng đào tạo từ xa… khi tuyển dụng công chức, viên chức.
Thông tin này được ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) đưa ra tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ vừa được Bộ Nội vụ tổ chức.
Không phân biệt bằng chính quy và bằng tại chức
Theo đó, liên quan đến Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ vừa được ban hành, ông Nguyễn Tư Long cho biết, Nghị định số 161 đã sửa đổi 3 Nghị định có liên quan đến tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức; trong đó, nổi bật là việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, sử dụng và hình thức thi, xét tuyển công chức, viên chức.
Cụ thể, không còn sự phân biệt giữa bằng chính quy và bằng tại chức, văn bằng 2, bằng đào tạo từ xa… khi tuyển dụng công chức, viên chức.
Khác với trước đây, Nghị định số 161 cũng quy định việc thi tuyển công chức, viên chức sẽ diễn ra trong 2 vòng. Vòng 1 là thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học.
Vòng 2 là thi môn nghiệp vụ chuyên ngành với nội dung về kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Hình thức thi là phỏng vấn hoặc thi viết.
Về xét tuyển công chức, viên chức cũng tiến hành 2 vòng. Vòng 1 là kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm tại phiếu đăng ký dự tuyển. Vòng 2 là phỏng vấn để kiểm tra về năng lực và trình độ chuyên môn.
Đáng chú ý, Nghị định mới đã có sự thay đổi rất lớn về điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức. Cụ thể, nếu như trước đây, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Anh hùng Lao động… được cộng 30 điểm vào điểm thi tuyển hoặc xét tuyển thì nay, chỉ còn được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi vòng 2.
Tương tự, người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an; quân nhân chuyên nghiệp, con thương binh, liệt sĩ… cũng chỉ còn được cộng 5 điểm vào kết quả thi vòng 2, thay vì 20 điểm vào tổng điểm…
Sẽ sắp xếp 16 đơn vị cấp huyện và 631 đơn vị cấp xã
Một vấn đề khác cũng được đề cập đến là Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Theo ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, mục tiêu của Nghị quyết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Ðể đạt mục tiêu đề ra, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm đồng bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của hầu hết nhân dân.
"Trước mắt áp dụng cho các đơn vị thực hiện trong giai đoạn 2019-2021; sau tổng kết, tiếp tục hoàn thiện phục vụ cho giai đoạn tiếp theo", ông Hùng cho biết.
Cũng với đó, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy định pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ, chính sách cho những đối tượng bị tác động khi thực hiện sắp xếp.
Đồng thời, sẽ tạm dừng việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với những địa phương trong kế hoạch thực hiện đề án này.
Về số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần phải sắp xếp, ông Phan Văn Hùng cho biết, trong giai đoạn đầu sẽ sắp xếp 16 đơn vị cấp huyện và 631 đơn vị cấp xã.